(TSVN) – Các chiến lược dinh dưỡng thông qua tăng cường sức đề kháng bằng bột và dầu nhuyễn thể krill sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể tác động của dịch bệnh do vi bào tử trùng (EHP) trên tôm.
Chiến lược dinh dưỡng là công cụ đắc lực giúp tăng cường sức đề kháng của tôm trước dịch bệnh EHP và ngăn ngừa tác động của bệnh ngay từ đầu.
Bổ sung nhuyễn thể (krill) vào khẩu phần ăn là một phương pháp đầy hứa hẹn. Những bước tiến về công nghệ thu hoạch và chế biến krill hiện nay đã tạo ra các sản phẩm giá trị và phù hợp cho thức ăn tôm, bao gồm bột nhuyễn thể (KM) và dầu nhuyễn thể (KO). KM và KO giàu dinh dưỡng, chứa các chất dẫn dụ, giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện lượng ăn của tôm.
Nguồn tài nguyên krill dồi dào và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới
Không chỉ giàu protein chất lượng cao và các axit amin tự do thiết yếu, KM còn chứa hàm lượng cao phosphatidylcholine (PC). Ngoài ra, các axit béo omega-3 trong KM, như EPA và DHA còn hỗ trợ chức năng tế bào, tăng cường khả năng chịu căng thẳng và nâng cao miễn dịch. Hơn nữa, astaxanthin có trong KM và KO còn đóng vai trò như một chất dẫn dụ, giúp cải thiện độ ngon miệng và lượng ăn.
Một nghiên cứu đã khám phá tác động của phụ gia KM và KO trong khẩu phần ăn đối với TTCT bị nhiễm EHP. Trong thử nghiệm kéo dài 10 tuần, tôm được cho ăn các chế độ dinh dưỡng khác nhau, bao gồm chế độ ăn đối chứng dương (POS), 3% KM (KM3), 10% KM (KM10) và 2% KO (KO2) (Aker BioMarine). Sau giai đoạn nuôi ban đầu kéo dài 35 ngày, tôm được thử thách với EHP. Ngoài ra, một nhóm đối chứng âm (được cho ăn chế độ đối chứng) không bị nhiễm EHP (NEG).
Vào cuối nghiên cứu, tôm được cho ăn khẩu phần có bổ sung 10% KM và 2% KO cho thấy những cải thiện đáng kể. Tôm trong hai nhóm này có trọng lượng thân tăng lên so với nhóm bị nhiễm bệnh (POS), nhóm đối chứng không nhiễm bệnh (NEG) và nhóm được bổ sung 3% KM.
Hoạt động của tế bào R trong tuyến gan tụy các nhóm tôm bổ sung krill được tăng cường, đây là một chỉ số định tính về khả năng hấp thụ, tiêu hóa và dự trữ chất dinh dưỡng. Ngược lại, nhóm đối chứng NEG được cho ăn chế độ tiêu chuẩn không bổ sung krill, lại biểu hiện tình trạng giảm không bào hóa, cho thấy tác động tích cực của nhuyễn thể đối với chức năng của tuyến gan tụy.
Các sản phẩm từ nhuyễn thể krill có tiềm năng giảm thiểu ảnh hưởng của EHP trên tôm. Giá trị dinh dưỡng cao, giàu axit béo omega-3 và chất chống ôxy hóa của nhuyễn thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy sự phát triển cũng như cải thiện sức khỏe và chức năng tuyến gan tụy của tôm.
Mức KO tương đương trong khẩu phần ăn chứa 10% KM và 2% KO, cùng những tác động tích cực tương tự của chúng, cho thấy tầm quan trọng của axit béo omega-3 trong việc kiểm soát tình trạng nhiễm EHP ở tôm. Sự có mặt của PC trong KM và KO cũng góp phần bảo vệ tôm trước những tổn thương và tình trạng thiếu dinh dưỡng do EHP gây ra, nhờ khả năng hỗ trợ duy trì tính toàn vẹn của tế bào và dự trữ năng lượng. Điều này phù hợp với các nghiên cứu trước đây, trong đó khẳng định lợi ích của chế độ ăn chứa nhuyễn thể trong việc cải thiện chức năng của tuyến gan tụy.
Các axit béo omega-3 trong dầu nhuyễn thể đã được chứng minh khả năng thay đổi hệ vi sinh đường ruột và củng cố hàng rào miễn dịch đường ruột, điều này đặc biệt quan trọng do tác động của EHP đến hệ vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, đặc tính kích thích miễn dịch của nhuyễn thể còn được thể hiện qua sự gia tăng biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch.
Việc bổ sung nhuyễn thể vào khẩu phần ăn của tôm thúc đẩy đường ruột khỏe hơn, hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và nâng cao sức khỏe tổng thể của tôm. Các sản phẩm bổ sung từ nhuyễn thể mang lại tiềm năng lớn như một giải pháp tự nhiên và hiệu quả trong việc quản lý EHP trong nuôi tôm.
Kết quả của nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh tiềm năng của nhuyễn thể trong chế độ ăn, giúp hỗ trợ dinh dưỡng cho tôm bị nhiễm EHP. Tác động tích cực của các sản phẩm này cho thấy cần xem xét lại các phương pháp cho ăn truyền thống, vì nhuyễn thể góp phần nâng cao năng suất và tính bền vững của mô hình nuôi tôm.
Nghiên cứu này đặt nền tảng cho việc khám phá sâu hơn cách giảm thiểu tác động của EHP đối với tăng trưởng của tôm. Các nghiên cứu tiếp theo nên tập trung xác định tỷ lệ bổ sung tối ưu của các sản phẩm từ krill cho từng loài và giai đoạn phát triển của tôm, đặc biệt trong điều kiện nuôi trồng. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế mà các sản phẩm từ nhuyễn thể cải thiện tốc độ tăng trưởng, nhấn mạnh vai trò của axit béo omega-3 và phosphatidylcholine (PC) trong việc bảo vệ sức khỏe tuyến gan tụy và ruột của tôm bị nhiễm EHP.
Ngành dinh dưỡng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững và tự nhiên hơn để kiểm soát dịch bệnh. Những kết quả quan sát được khi bổ sung nhuyễn thể cho thấy một sự chuyển dịch sang các chiến lược toàn diện hơn, dựa trên dinh dưỡng trong nuôi trồng thủy sản, có thể thay đổi các phương pháp truyền thống và nâng cao tính bền vững của ngành nuôi tôm trên toàn cầu.
Dũng Nguyên
(Theo Aquafeed)