(Thủy sản Việt Nam) – Trong thắng lợi của toàn ngành thủy sản năm 2010, bên cạnh sự đóng góp quan trọng của tôm, cá tra, basa thì “công” của nhuyễn thể cũng không nhỏ. Năm 2011, nhuyễn thể sẽ tiếp tục trở thành mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của thủy sản Việt Nam.
Năm 2010, vượt khó
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu được 112.000 tấn nhuyễn thể, đạt giá trị 437 triệu USD, tăng 1,5% về khối lượng và 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Cũng trong năm nay, thị trường xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam cũng đã được mở rộng, với trên 80 thị trường, tăng 7 thị trường so với năm 2009. Trong đó, EU và Nhật Bản vẫn là 3 thị trường chính của nhuyễn thể Việt Nam.
Sò lông – loài nhuyễn thể nhiều tiềm năng của thủy sản Việt Nam Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Năm 2010, mặc dù còn nhiều trở ngại và vướng mắc do các quy định về sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này, tuy nhiên, EU vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu nhuyễn thể đạt mức tăng trưởng dương toàn diện cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2009. 11 tháng năm 2010, khối lượng xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam sang EU đạt 42.378 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, tăng 37,7% về khối lượng và 31,1% về giá trị.
Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc khi nhập khẩu trên 29 nghìn tấn nhuyễn thể từ Việt Nam, với giá trị trên 110 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và 25,4% về giá trị. Đứng thứ 3 trong top thị trường nhập khẩu nhuyễn thể của Việt Nam là Nhật Bản. Năm 2010, Nhật Bản nhập khẩu trên 16 nghìn tấn nhuyễn thể từ Việt Nam, với giá trị đạt trên 102 triệu USD, tăng 15,1% về lượng và 23,4% về giá trị.
Năm 2011, chưa hết khó
Nhu cầu nhuyễn thể của các thị trường nhập khẩu của Việt Nam những tháng cuối năm 2010 có thể coi là tín hiệu sớm cho một năm thuận lợi của xuất khẩu nhuyễn thể. Năm 2010, EU là thị trường duy nhất tăng trưởng đều, năm 2011, nhu cầu nhập khẩu nhuyễn thể của EU vẫn tiếp tục tăng. Sau sự cố tràn dầu Vịnh Mexico, nhu cầu nhập khẩu nhuyễn thể của thị trường Mỹ cũng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam cũng đang có xu hướng mở rộng sang khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, để đảm bảo được mức tăng trưởng như hiện nay, nhuyễn thể Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh những yêu cầu về tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, thị trường EU còn yêu cầu phải đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC). Bên cạnh đó, trước những rào cản kỹ thuật, những yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt và những tiêu chuẩn mới khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm… các doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện tốt việc chứng thực nguồn gốc và cấp giấy chứng nhận cho hải sản khai thác xuất khẩu sang EU.
Mặt khác, tình trạng chung hiện nay, bài toán khó cho các doanh nghiệp nhuyễn thể của Việt Nam vẫn là nguyên liệu cho sản xuất. Tình trạng nghêu chết hàng loạt tại các khu vực trong năm qua khiến các doanh nghiệp Việt Nam lao đao tìm nguồn để đáp ứng các hợp đồng đã ký. Trong khi đó, nhập nguyên liệu để chế biến lại vấp phải những yêu cầu và quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch…
Đây là những vấn đề đặt ra cấp thiết cho nhuyễn thể Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, nếu không muốn để cơ hội tăng trưởng vuột qua tầm tay. Bởi năm 2011, nhuyễn thể sẽ tiếp tục là thành phần làm đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, như chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Yếu tố con giống vẫn là bài toán khó giải đối với xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam. Năm 2010, sản lượng giống nhuyễn thể được sản xuất trong nước ước đạt 800 triệu con, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, chất lượng vẫn gần như thả nổi. Trong khi đó, do nhu cầu trong nước tăng mạnh, nguồn sản xuất không đủ, một số loại giống như ngao, hàu nhập từ Trung Quốc cũng không kiểm soát được chất lượng.
Phạm Thu