Ở huyện Giá Rai (Bạc Liêu), ít ai không biết ông Tạ Minh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, Chủ tịch Hội Thủy sản Bạc Liêu (ảnh)…, người vừa công tác tốt vừa sản xuất giỏi.
Đam mê
Huyện Giá Rai tiềm năng thủy sản lớn nhưng phát huy chưa được bao nhiêu. Vì thế đời sống người dân chưa ổn định, còn nhiều khó khăn. Nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, ông Tạ Minh Phú luôn tâm niệm, phải làm gì để thoát nghèo, ổn định sản xuất.
Từ những năm 1990, trên cương vị Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, với lòng yêu nghề và đam mê tôm cá, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, ông Phú còn tích cực làm kinh tế gia đình. Với hơn 4 ha nuôi tôm, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Nhưng trong quá trình nuôi cũng gặp nhiều khó khăn từ thời tiết không thuận lợi, nguồn con giống, dịch bệnh và đặc biệt vấn đề vốn.
Ông cho biết, để đầu tư 1 ha nuôi tôm, phải bỏ ra khoản tiền lớn, đầu tư con giống, trang thiết bị phục vụ sản xuất, nhân công, nếu không có hỗ trợ vốn thì người nuôi không thể tự “bơi”. Từ kinh nghiệm bản thân, với việc tích cực học hỏi, ông liên tiếp thành công trong nuôi tôm, được nhiều nông dân đến học hỏi, nhờ hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tôm. Ông thường nói, sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người là động lực giúp ông có thêm niềm tin trong công việc và ngày càng gắn bó với nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp nuôi tôm hiệu quả nhất có thể.
Khó nhất của người nuôi tôm là kiến thức và nguồn vốn. Những năm qua, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn; thua lỗ khiến nhiều hộ không còn đủ sức hoạt động tiếp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư tăng cao, chất lượng giống không ổn định, cơ sở hạ tầng yếu kém… Đặc biệt, sự hỗ trợ về vốn cho người sản xuất còn nhiều bất cập.
Niềm vui chia sẻ
Bằng kinh nghiệm sản xuất của mình, ông Phú phổ biến tới người dân mô hình nuôi tôm theo hình thức quảng canh, bằng quy trình sinh học, không dùng hóa chất diệt khuẩn trong ao nuôi. Thực hiện phương pháp ao lắng, lọc nước nhiều lần qua túi lọc; sau đó gây màu nước, cấy vi sinh rồi thả giống. Mô hình này giúp giảm nhiều chi phí đầu tư cho mỗi vụ nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh, chất lượng tôm đảm bảo, sản lượng tăng cao so với phương pháp thường dùng và quan trọng nhất là có hiệu quả.
Vừa sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Phú vừa là một cán bộ Hội năng động, nhiệt tình. Cùng với lòng yêu nghề, ông tích cực tham gia hoạt động Hội, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp kịp thời, hiệu quả. Luôn lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với hội viên, vận động hội viên hưởng ứng mọi hoạt động của Hội. Mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chủ trì và tham gia tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, học hỏi, chia sẻ giữa các hộ nuôi, với nhiều hình thức phù hợp.
Nhiều năm liền, Tạ Minh Phú được vinh danh “sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, “cán bộ gương mẫu”; được nhận nhiều bằng khen của Tỉnh ủy, UBND huyện.
>> Khi còn là Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, rồi Phó giám đốc Sở NN&PTNT, ông đã luôn đi đầu trong mọi hoạt động, có nhiều đóng góp phát triển địa phương. Nghỉ hưu, ông vẫn được dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Thủy sản Bạc Liêu (2012 – 2017). |