Ninh Bình: Để hàu giống Kim Sơn phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay sản xuất hàu giống đang là một trong những thế mạnh, đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều ngư dân vùng ven biển Kim Sơn. Tuy nhiên, để nghề này phát triển bền vững cần sớm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có nhiều thế mạnh này.

Nghề nuôi hàu giống xuất hiện ở huyện Kim Sơn 2 – 3 năm trở lại đây, tập trung ở vùng NTTS của 3 xã Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung. Theo thống kê của Trạm thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh, trên địa bàn vùng NTTS nước mặn, lợ Kim Sơn hiện có 108 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhuyễn thể; trong đó có 60 cơ sở sản xuất hàu giống, gần 40 cơ sở sản xuất ngao giống. 

Sản xuất hàu giống đang là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm, cua biển, song lại không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Đáng chú ý, chất lượng hàu giống ở Kim Sơn tốt hơn hẳn so giống hàu nhập ngoại cũng như sản xuất ở các địa phương khác; do vậy hiện có giá cao hơn và được ưa chuộng ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng…

Tuy nhiên, nghề sản xuất hàu giống ở Kim Sơn vẫn còn phải đối diện với một vài khó khăn về điều kiện môi trường, nguồn giống bố mẹ… dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao; Cùng đó, công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế, các cơ sở dịch vụ giống thủy sản còn nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, trách nhiệm với người nuôi; Việc đầu tư hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập. Hơn nữa, do khởi đầu là một nghề tự phát nên kỹ thuật nuôi trồng của các hộ sản xuất đều là tự truyền cho nhau hoặc học hỏi ở các mô hình trước đó, chưa được đào tạo một cách bài bản. Do vậy, để nghề nuôi hàu giống phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho người dân; cùng đó, sớm có quy hoạch vùng sản xuất thủy sản để người dân yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, vay vốn mở rộng sản xuất.

Thời gian qua, UBND huyện Kim Sơn cũng đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các địa phương khảo sát, nghiên cứu đánh giá những tác động về kinh tế, xã hội, môi trường từ chuyển đổi nuôi tôm công nghiệp sang sản xuất giống ngao, hàu. Đối với Khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung, định hướng chuyển đổi từng phần thành hợp tác xã ngành hàng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu ngao, hàu giống vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn.

Về công tác đào tạo, ông Phạm Văn Hải, Trưởng trạm thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh cho biết, với xu thế phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi hàu giống, Trạm cũng đã lên kế hoạch đào tạo một lớp dạy nghề sơ cấp trong thời gian 3 tháng cho các hộ sản xuất; từ đó, trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về đặc tính của giống hàu, cách lựa chọn giống đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hàu giống, những dịch bệnh có thể mắc phải cũng như yêu cầu để đảm bảo vệ sinh môi trường của cơ sở sản xuất. Từ đó, mong muốn nghề nuôi hàu giống tiếp tục phát triển, nâng cao thu nhập cho các hộ NTTS.

Thảo Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!