(TSVN) – Sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 của Ninh Bình phát triển trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.
Theo Sở NN&PTNT Ninh Bình, sản lượng thủy sản tháng 9/2024 ước đạt 6,3 nghìn tấn, tăng 0,5% (+ 0,03 nghìn tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 0,4% (+ 0,02 nghìn tấn), sản lượng khai thác ước đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 0,9% (+ 0,01 nghìn tấn).
Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 53,9 nghìn tấn, tăng 4,1% (+ 2,1 nghìn tấn) so cùng kỳ năm trước. Chia ra: Sản lượng nuôi trồng đạt 47,9 nghìn tấn, tăng 4,1% (+ 1,9 nghìn tấn); sản lượng thủy sản khai thác đạt 6 nghìn tấn, tăng 4,1% (+ 0,2 nghìn tấn). Sản lượng cá ước đạt 28,1 nghìn tấn, tăng 3,5% (+ 1 nghìn tấn); sản lượng tôm ước đạt 3,5 nghìn tấn, tăng 12,6% (+ 0,4 nghìn tấn); sản lượng thủy sản khác ước đạt 22,3 nghìn tấn, tăng 3,5% (+ 0,7 nghìn tấn).
Trong những ngày đầu tháng 9/2024, do thời tiết mưa, bão làm khoảng 3.200 ha diện tích nuôi thủy sản của Ninh Bình bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay khi nước rút, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo các hộ nuôi và huy động các tổ chức đoàn thể vệ sinh môi trường các vùng nuôi; gia cố bờ bao, thả bổ sung giống vào các ao, đầm để đảm bảo mật độ nuôi thả.
Thị trường tiêu thụ thủy sản từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi, cơ cấu sản xuất đa dạng. Bên cạnh các đối tượng truyền thống, các đối tượng đặc sản như chạch sụn, tôm càng xanh, baba, ếch, ốc hương,… tiếp tục phát triển mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định.
Ninh Bình có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản. Trong những năm qua tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa và hướng tới xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như ở Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô,…; đồng thời hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, khai thác, nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết, thành lập các hợp tác xã.
Đặc biệt, sản xuất hàu giống phát triển mạnh trên địa bàn các xã vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, đã trở thành hướng đi mới, tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân.
Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 15.358 ha; sản lượng đạt 104.000 tấn; giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.200 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao; xây dựng chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thủy sản nâng cao sức cạnh tranh; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản đặc trưng địa phương gắn với các ngành dịch vụ thương mại du lịch của tỉnh.
Lê Loan