Ninh Bình: Nuôi kết hợp cho hiệu quả cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình của anh Trần Văn Chí, xóm 14, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được nhiều người biết đến, quan tâm học hỏi. Mô hình thu hiệu quả hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vượt gian khó

Năm 2016, anh Chí mạnh dạn vay vốn bén duyên với mô hình nuôi tôm, cá nước ngọt. Những năm đầu bắt tay vào nuôi tôm, do chưa nắm vững kỹ thuật, vốn ít, độ rủi ro lại khá lớn vì chưa lựa chọn được giống tôm chất lượng và phù hợp. Cộng thêm dịch bệnh xảy ra liên tục, trong khi thuốc điều trị, nguồn thức ăn kém chất lượng đã ảnh hưởng đến năng suất tôm nên nhiều lần anh bị thất bại, thua lỗ. Không nản lòng, anh Chí tích cực tìm đến các mô hình nuôi tôm thành công ở trong và ngoài tỉnh nuôi tôm ở miền Bắc để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm ở địa phương. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, anh tiếp tục thực hiện mô hình.

Tôm nuôi phát triển nhanh, màu sắc đẹp và tỷ lệ sống cao. Ảnh minh họa

Trên diện tích 5 mẫu ruộng đã đấu thầu trước đó, anh Chí thuê thêm 5 mẫu ruộng từ các hộ khác, bắt đầu khoanh vùng, đào ao, đắp bờ thả cá và nuôi TTCT. Tất cả các công đoạn trong quá trình nuôi đều được anh thực hiện một cách bài bản, khoa học. Nhờ nắm vững kỹ thuật, lựa chọn nguồn thức ăn và con giống kỹ càng, đồng thời trong quá trình nuôi anh không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, những năm sau đó anh liên tiếp thành công.

Hiện, gia đình anh sở hữu 9 ao nuôi tôm xen lẫn thả các loại cá trắm, trôi, mè, với tổng diện tích khoảng 36.000 m². Mỗi năm anh thả 3 vụ tôm, khoảng 60 vạn tôm giống, cho thu hoạch từ 12 – 15 tấn tôm thương phẩm. Tôm thương phẩm thường được các thương lái đến mua tại nhà với giá từ 100.000 – 130.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ từ 60 – 80 con/kg. Tổng doanh thu các loại tôm, cá từ 1,5 – 2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 500 – 600 triệu đồng/năm.

Nắm chắc kỹ thuật

Theo anh Chí, để mô hình thành công, người nuôi cần đặc biệt chú trọng việc lựa chọn con giống ở các cơ sở uy tín, kích cỡ con giống từ PL12 trở lên và mật độ nuôi thả là 40 con/m². Môi trường ao nuôi cũng luôn được xử lý tốt. Tại mô hình, anh Chí đầu tư lắp hệ thống ống dẫn để lấy nguồn nước từ nơi không bị ô nhiễm, trước khi đưa vào ao, cần loại bỏ rác qua màng lọc, sau đó khử độc tố và diệt khuẩn để xử lý mầm bệnh. Hằng tuần, anh đều kiểm tra nước ao để điều chỉnh pH và độ kiềm thích hợp. Để cung cấp ôxy cho ao nuôi, mô hình dùng hệ thống máy sục khí và quạt đảo nước.

Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của tôm, anh Chí cung cấp thức ăn và dinh dưỡng phù hợp. Hằng ngày, anh cho tôm ăn 3 bữa bằng nguồn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng, đồng thời quan sát màu sắc và các hoạt động của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu bệnh lý. TTCT có khả năng phòng chống bệnh tốt, tuy nhiên cần bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, để tôm khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, anh Chí thường xuyên áp dụng công nghệ mới vào quá trình nuôi tôm như: Sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung nguồn vi khuẩn có lợi, ức chế các vi khuẩn có hại trong nước, đồng thời làm giảm khí độc trong nước, giảm sử dụng thuốc và chất hóa học trong quá trình nuôi, giúp cho môi trường nước luôn ổn định. Từ đó tôm nuôi có tốc độ phát triển nhanh, màu sắc đẹp, tăng sức đề kháng và tỷ lệ sống cao, không xảy ra dịch bệnh.

Ông Trần Văn Khơ, Chủ tịch Hội nông dân xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình chia sẻ, mô hình của anh Trần Văn Chí rất đáng để nông dân địa phương học hỏi nhân rộng hiệu quả. Hiện trên địa bàn xã đã có hơn 20 mô hình học tập và làm theo, từ đó đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!