Ninh Bình: Thủy sản duy trì đà phát triển ổn định

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo thông tin từ Cục Thống kê Ninh Bình, trong tháng 11, điều kiện thời tiết thuận lợi, các con nuôi thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

Sản lượng thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 6 nghìn tấn, tăng 5,7% (tăng 0,32 nghìn tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng ước đạt 5,4 nghìn tấn, tăng 6,2% (tăng 0,31 nghìn tấn); sản lượng khai thác ước đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 1,8% (tăng 0,01 nghìn tấn).

Lũy kế 11 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 66,4 nghìn tấn, tăng 4,6% (tăng 2,9 nghìn tấn) so cùng kỳ năm trước. Chia ra: Sản lượng nuôi trồng ước đạt 59,1 nghìn tấn, tăng 4,6% (tăng 2,6 nghìn tấn); sản lượng khai thác ước đạt 7,3 nghìn tấn, tăng 4,7% (tăng 0,3 nghìn tấn).

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được người dân Ninh Bình nhân rộng. Ảnh: NBTV

Hiện nay, các hộ nuôi đang tiến hành thu hoạch sản phẩm của chu kỳ sản xuất trong năm và chuẩn bị cho công tác vệ sinh, tôn tạo ao, đầm, tìm nguồn giống tốt để nuôi thả năm sau. Ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 203/KH – UBND ngày 13/11/2024 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2025.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhất là cơn bão số 3 (bão YAGI) tuy nhiên, ngành thủy sản Ninh Bình vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, khẳng định vị trí là mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Trong đó, Ninh Bình đặc biệt chú trọng phát triển ngành nuôi tôm công nghệ cao.

Địa phương cũng đang khuyến khích người dân áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường. Những đột phá trong công nghệ nuôi tôm đã từng bước đối phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, cho tỷ lệ thành công cao. Cụ thể, tại huyện Kim Sơn, một số người dân đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao với hệ thống nhà kính, cho thu nhập từ 9 – 10 tỷ đồng/ha.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao này được triển khai từ năm 2016 với quy mô ban đầu chỉ 0,6 ha, đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của huyện Kim Sơn đã phát triển lên gần 75 ha. Trước đây, nuôi tôm quảng canh chỉ thu được 2 tấn/ha nhưng khi ứng dụng công nghệ cao năng suất có thể đạt trung bình hơn 10 tấn/ha và có thể nuôi 3 vụ/năm, chất lượng con tôm luôn được đảm bảo.

Thời gian tới, ngành thủy sản Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản trên cơ sở lợi thế từng tiểu vùng sinh thái theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; Tập trung phát triển các sản phẩm phẩm chủ lực, đặc sản, đặc hữu, nâng cao chuỗi giá trị, gắn với chế biến và tiêu thụ, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng trên cơ sở ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 gắn với kinh tế số, chuyển đổi số để kết nối vùng sản xuất với chế biến và thị trường.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!