Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá – lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.
Hàng năm, khi vụ lúa đông xuân kết thúc cũng là thời điểm mùa mưa bão bắt đầu, nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện Hoa Lư nằm trong vành đai đê bảo vệ của các con sông thường xuyên bị ngập úng. Việc canh tác lúa mùa bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ cộng thêm những năm gần đây sâu bệnh, chuột hại phát triển mạnh, vì vậy hiệu quả của cây lúa mang lại thấp. Nhiều gia đình bỏ không gieo cấy vụ mùa nữa, lao động nhàn rỗi không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Để tận dụng, khai thác “lợi thế” vùng trũng, năm 2014, Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Hoa Lư đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình lúa – cá tại HTX nông nghiệp Chi Phong, xã Trường Yên”. Mục tiêu của đề tài nhằm tăng thu nhập, giải quyết thêm việc làm và ổn định cuộc sống của nhân dân trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lũ; đồng thời từ kết quả dự án sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều vùng khác.
Triển khai mô hình, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành chức năng, địa phương tổ chức hội nghị tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 60 người tham gia, sau đó lựa chọn 3 hộ đủ điều kiện để thực hiện. Nửa cuối tháng 6, ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân sớm, các hộ đã tiến hành thả 233 nghìn con cá giống trên diện tích gần 13 ha; các loại cá bao gồm cá rô đồng, cá chép, cá trắm cỏ. Mật độ thả dao động từ 1-7 con/m2, tùy vào điều kiện của từng hộ gia đình.
Ảnh minh họa: NL
Ông Hoàng Ngọc Thuyên, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình đã lấy đối tượng cá rô đồng làm chính (chiếm gần 60% lượng giống thả) bởi đây là loài cá đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hoa Lư với những ưu điểm vượt trội như: cá khỏe, chịu được khô hạn, thịt cá thơm, ngon. Đặc biệt hiện nay cá rô đồng ngày càng khan hiếm nên giá cá rô thương phẩm ở mức khá cao.
Về khu đồng trũng của HTX Chi Phong, nơi triển khai mô hình, trong khi nhiều mảnh ruộng lúa mùa đã phát triển xanh tốt thì một số mảnh ruộng khác vẫn ngập nước để nuôi cá. Chị Nguyễn Thị Oanh, một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết: Vài năm trước, nhận thấy cấy lúa vụ mùa hiệu quả kém nên gia đình tôi đã chuyển hướng sang nuôi xen canh 1 vụ lúa, 1 vụ cá. Tuy nhiên, do không nắm rõ quy trình kỹ thuật, không tuân theo mật độ hay quy trình chăm sóc nên cá sinh trưởng, phát triển chậm, có vụ cá chết hàng loạt vì bệnh dịch. Vì vậy, sau khi được Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chọn là mô hình điểm để thử nghiệm nuôi cá – lúa có kỹ thuật, chị đã rất phấn khởi.
Gia đình chị thực hiện đúng theo hướng dẫn về chuẩn bị ruộng, đào rãnh quanh khu vực trồng lúa, cách cho cá ăn và chăm sóc đàn cá. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, đàn cá đang sinh trưởng, phát triển tốt, cá tăng trọng đều, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ khoảng 10 – 20%. Mọi năm gia đình chỉ thu được khoảng 1 tấn cá thương phẩm nhưng năm nay khả năng sản lượng sẽ tăng lên từ 1,3 – 1,5 tấn. Dự kiến, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ nuôi cá đạt hơn 200 triệu đồng. Như vậy nếu so sánh với canh tác thuần lúa hai vụ, mô hình lúa – cá cho thu nhập cao gấp 3 – 4 lần.
Cũng theo những hộ dân thực hiện mô hình thì nuôi cá – lúa có rất nhiều cái lợi bởi đây là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa. Bón phân cho lúa sẽ góp phần bổ sung thức ăn cho cá, đồng thời, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Vì vậy, so với ao nuôi cá thâm canh, nuôi cá – lúa chi phí thức ăn thấp hơn. Đặc biệt, cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý khi nuôi cá – lúa là chân ruộng phải có khả năng điều tiết nước tốt để phù hợp với từng thời gian sinh trưởng của cá. Do đó, tùy điều kiện, cần phải đào rãnh trong khu vực trồng lúa. Khi cần phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa cũng phải cân nhắc hết sức cẩn thận, tránh để đất, nước bị nhiễm độc ảnh hưởng đến việc thả cá sau này.
Ông Bùi Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư đánh giá: Đây là mô hình dễ thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, phù hợp điều kiện nuôi thủy sản của huyện. Mô hình được triển khai rộng rãi sẽ tạo điều kiện để các hộ ít vốn tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập và hạn chế được thuốc hóa học, cải thiện môi trường sinh thái.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa nhằm tạo điều kiện để nông dân đầu tư kiến thiết cơ bản nuôi lâu dài. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên cập nhật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá để nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, hạn chế rủi ro.