Thời gian qua, Ninh Giang (Hải Dương) đã mạnh dạn đưa giống thủy sản mới là cá rô phi đơn tính vào nuôi trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Ninh Giang có thế mạnh về nuôi các giống thủy sản truyền thống như: trắm, chép, trôi, mè… Năng suất các giống cá truyền thống tuy không cao nhưng ổn định. Thời gian qua, các loại dịch bệnh xuất hiện nhiều khiến cá chết hàng loạt, hiệu quả kinh tế giảm. Trước tình hình đó, huyện Ninh Giang đã mạnh dạn đưa giống thủy sản mới là cá rô phi đơn tính vào nuôi trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Phạm Văn Thế ở thôn Ứng Mộ, xã Hoàng Hanh (Ninh Giang) chuyển đổi ruộng trũng bấp bênh sang nuôi thủy sản được 7 năm nay. Ngày mới chuyển đổi, ông chủ yếu nuôi cá trắm, trôi, mè, nhưng vì cá chậm lớn, mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 lần nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2010, ông Thế đưa cá rô phi đơn tính vào nuôi thử nghiệm trên diện tích 1 sào. Ông tuân thủ nghiêm quy trình cho ăn, chăm sóc, phòng, chống các loại bệnh. Sau 6 tháng, cá tăng trưởng tốt, trọng lượng trung bình đạt từ 0,7 – 0,8 kg/con. Vụ đầu, ông Thế thu lãi gần chục triệu đồng. Hiện tại, với 2 mẫu ao, một nửa để chuyên nuôi cá rô phi, một nửa nuôi kết hợp giữa cá rô phi và cá truyền thống, sau khi trừ chi phí, ông Thế thu lãi 40 – 50 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với chỉ nuôi cá truyền thống.
Gia đình ông Phạm Văn Thế ở thôn Ứng Mộ, xã Hoàng Hanh (Ninh Giang) thu lãi 40 – 50 triệu đồng/năm từ 2 mẫu ao nuôi cá rô phi đơn tính kết hợp cá truyền thống.
Thôn Tam Tương, xã Hồng Thái có truyền thống nuôi thủy sản từ lâu. Toàn thôn có 14,7 ha nuôi thủy sản. Thôn hình thành được khu nuôi thủy sản tập trung với diện tích gần chục ha. Trước đây, nông dân trong thôn chủ yếu là nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè. Một số hộ mạnh dạn đưa cá rô phi đơn tính vào nuôi, nhưng chưa đúng quy trình kỹ thuật, mật độ nên hiệu quả chưa cao. Tháng 5 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa an toàn góp phần xây dựng nông thôn mới ” thu hút 13 hộ tham gia với diện tích chuyển đổi 40 nghìn m2, số lượng cá thả 80 nghìn con. Tham gia dự án, các hộ nông dân được hỗ trợ 30% tiền cá giống và 10 triệu đồng/ha tiền thức ăn và kỹ thuật nuôi. Qua theo dõi, đánh giá cá sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 0,4 – 0,7 kg/con, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ được thu hoạch. Gia đình ông Trình Đình Bàn, một trong các hộ tham gia dự án cho biết: “Tôi nuôi ghép giữa cá rô phi đơn tính và cá truyền thống trên diện tích 4.500 m2. Mới nuôi được hơn 3 tháng nhưng tôi thấy cá đã đạt khoảng 0,6 – 0,7 kg/con, có con đã đạt 0,8 kg. Cá cũng ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản hơn so với nuôi cá truyền thống. Dự kiến, sau khi thu hoạch xong đợt này, gia đình tôi sẽ chuyển toàn bộ sang nuôi cá rô phi”.
Theo ông Trần Trọng Bát, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ninh Giang, cá rô phi đơn tính đã được phòng và Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào nuôi thí điểm tại một số hộ ở vùng bắc sông Cửu An từ năm 2005. Nhìn chung, cá tăng trưởng nhanh, năng suất có thể đạt từ 9 – 13 tấn/ha, ít mắc dịch bệnh. Tuy nhiên, do đây là cá giống mới, nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên ít người dân ưa chuộng. Bên cạnh đó, do chưa sản xuất được cá giống, hầu hết phải nhập từ nước ngoài, giá giống cao đã làm cho nhiều người không nuôi mà quay về cá truyền thống. Tuy nhiên, cá truyền thống có nhược điểm là sức đề kháng yếu, trong khi lại thiếu nguồn nước sạch, thời tiết diễn biến thất thường… Gần đây, khó khăn về nguồn cá giống đã được khắc phục nên Phòng NN-PTNT lại khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản, đưa thêm cá rô phi đơn tính vào nuôi. Hiện nay, Ninh Giang có hơn 230 ha cá rô phi đơn tính, chiếm 23% diện tích nuôi thủy sản của cả huyện, tăng gần 100 ha so với năm 2010. Vùng bắc sông Cửu An có 266 hộ tham gia chuyển đổi thì có đến 50% số hộ nuôi cá rô phi đơn tính. Các xã: Ninh Hải, Quang Hưng, Đông Xuyên… có tỷ lệ hộ nuôi cá rô phi đơn tính từ 60 – 70% tổng số hộ nuôi cá.
Để có thể mở rộng được diện tích cá rô phi đơn tính, hằng năm, Phòng NN-PTNT huyện Ninh Giang đã phối hợp với các ngành, các cấp mở từ 7 – 10 lớp chuyển giao kỹ thuật với sự tham gia của 500 – 700 nông dân; giới thiệu và cung cấp các loại giống mới, kỹ thuật chăm sóc… Các Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho hội viên. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, đưa các giống thủy sản mới vào nuôi, huyện Ninh Giang còn gặp một số khó khăn. Nhiều nông dân vẫn giữ nguyên tập quán sản xuất cũ. Giá thức ăn tăng mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn làm cho diện tích nuôi cá rô phi đơn tính chậm được mở rộng.
Huyện Ninh Giang phấn đấu đến năm 2015, diện tích thủy sản đạt 1.500 ha, trong đó diện tích cá rô phi đơn tính đạt 500 ha, năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô và bảo đảm vệ sinh môi trường huyện Ninh Giang, giai đoạn 2011 – 2015”, trong đó mỗi xã phải xây dựng được từ 1 – 2 khu chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên. Quy hoạch chuyển đổi 495 ha đất cấy lúa hiệu quả thấp, đất bãi ven đê thành khu nuôi thủy sản tập trung, chủ yếu là nuôi cá rô phi đơn tính. Tiếp tục tổ chức thực hiện dự án nuôi thủy sản tập trung nam sông Cửu An, diện tích gần 251,91 ha, thuộc các xã: Quang Hưng, Tân Phong, Đông Xuyên, Vạn Phúc. Chỉ đạo các đoàn thể tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về nuôi cá rô phi đơn tính cho người dân. Tổ chức tham quan, học tập những mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài huyện nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân…