(TSVN) – 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản của tỉnh Ninh Thuận ước đạt 38.251,6 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác đạt 35.933,6 tấn, tăng 4,7%. Những ngày này, tại các cảng cá lớn của tỉnh nhộn nhịp cảnh tàu thuyền thay phiên vào cập bờ bốc dỡ hải sản bán cho thương lái. Cùng đó, các ban, ngành chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền và hỗ trợ ngư dân tuân thủ các quy định Luật Thủy sản khi tham gia khai thác trên biển.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thuỷ sản. Ngư trường xuất hiện các đàn cá cơm từ xung quanh khu vực đảo Phú Quý, biển ven bờ Mũi Né (Bình Thuận), khu vực đảo Côn Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu); khu vực biển Ninh Thuận đến Nha Trang (Khánh Hòa) xuất hiện các đàn cá nục. Toàn tỉnh hiện có khoảng 98% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản. Các nghề khai thác đạt hiệu quả như lưới vây (cá nục, cá cơm), pha xúc (cá cơm).
Tỉnh Ninh Thuận tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng bền vững; ảnh: ST
Hiện nay, các sản phẩm hải sản khai thác được thu mua tại cảng như cá cơm có giá dao động từ 15.000 – 22.000 đồng/kg; cá nục có giá từ 20.000 – 45.000 đồng/kg; cá đổng có giá từ 50.000 – 90.000 đồng/kg; cá ngừ chù có giá từ 40.000 – 60.000 đồng/kg; cá ngừ sọc dưa có giá từ 35.000 – 50.000 đồng/kg; cá cờ có giá từ 50.000 – 80.000 đồng/kg; mực ống có giá từ 100.000 – 350.000 đồng/kg; mực nang có giá từ 110.000 – 250.000 đồng/kg; tôm có giá từ 180.000 – 350.000 đồng/kg tùy kích cỡ, chất lượng sản phẩm.
Tại cảng cá Mỹ Tân, ngay từ sáng sớm bà con ngư dân đã hối hả vận chuyển các loại cá nục, cá cơm… từ khoang thuyền lên bờ cân bán cho thương lái. Ông Trần Văn Nam (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, thời gian qua khu vực biển ở đây xuất hiện nhiều đàn cá nục, các tàu cá đi cách bờ khoảng 12 – 15 hải lý sau một ngày khai thác mỗi tàu cá đạt sản lượng từ 3 – 5 tấn, có tàu gặp trúng luồng cá có thể khai thác được trên chục tấn. Như chuyến biển này, tàu cá của gia đình ông Nam khai thác được gần 4 tấn cá, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, trừ các chi phí cũng còn lãi vài chục triệu đồng.
Theo các ngư dân, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch là thời điểm khai thác chính trong năm (vụ cá Nam). Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả khai thác, ngành thủy sản Ninh Thuận đã thông báo đến các địa phương huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá Nam; cung cấp các thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để bà con ngư dân chủ động lập kế hoạch tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đang dồn sức triển khai đồng bộ các quy định pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và khuyến nghị của EC về phòng, chống khai thác IUU.
Cụ thể, mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 309-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện nội dung tại Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư. Theo nội dung Kế hoạch, Ninh Thuận sẽ kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng kiểm ngư, lực lượng bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản của tỉnh, thực hiện công tác chống khai thác IUU; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm IUU và thông tin, truyền thông trên báo đài, phương tiện thông tin đại chúng đến ngư dân; có biện pháp ngăn chặn và xử lý các tàu cá tỉnh Ninh Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân tỉnh Ninh Thuận đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu (nếu có); tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.
Cùng đó, triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để tàu cá, ngư dân tỉnh Ninh Thuận khai thác thủy sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân địa phương không vi phạm khai thác bất hợp pháp nhưng bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước. Thống kê số lượng tàu cá của tỉnh và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, đội tàu, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát các tàu cá xuất nhập bến, cảng; giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác trên biển bốc dỡ tại các tại cảng, đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên; đảm bảo tỉnh không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Vân Anh
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 2.308 tàu cá từ 6 m trở lên; trong đó có 862 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ. Năm nay, Ninh Thuận đặt chỉ tiêu khai thác 127.150 tấn hải sản các loại.