T2, 06/07/2020 10:22

Ninh Thuận: Định hướng mới về tổ chức lại nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Vấn đề tổ chức lại nghề cá đã được tỉnh Ninh Thuận quan tâm trong nhiều năm qua. Và mở đầu vụ cá Nam năm nay, vấn đề này tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự nỗ lực triển khai của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Với bờ biển dài hơn 105 km, tỉnh Ninh Thuận là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với tổng trữ lượng cá, tôm khoảng 50.000 tấn/năm, có thể khai thác quanh năm. Hải sản khai thác được có nhiều loại có giá trị kinh tế cao cung cấp nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Song cần hiểu rõ để khai thác các loại hải sản này, điều kiện tiên quyết là phải có đội tàu khai thác đánh bắt xa bờ.

Thu mua hải sản tại Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Thanh Long

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 2.637 tàu cá, với tổng công suất 226.482 CV. Theo xu hướng phát triển mới, tàu công suất từ 90 CV trở lên ở tỉnh Ninh Thuận đã chiếm khoảng trên 30% số tàu thuyền và trên 78% tổng công suất. Cụ thể có trên 470 chiếc từ 90 CV đến dưới 250 CV, trên 200 chiếc từ 250 CV đến dưới 400 CV và khoảng 50 chiếc từ 400 CV trở lên. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là có đến gần 90% đội tàu trên 90 CV ở tỉnh ta hoạt động thuần các nghề khai thác cá nổi (như cá cơm, cá nục), giá trị kinh tế rất thấp và thường đánh ở vùng lộng nhiều hơn là vùng khơi, bằng chủ yếu là nghề pha xúc. Thực trạng này được Kỹ sư Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, giải thích: Do vùng biển tỉnh ta là ngư trường trọng điểm cá nổi ven bờ, ngư dân đã quen với tập quán đánh bắt này, thực tế vẫn có hiệu quả kinh tế nên ngư dân cũng ít đưa tàu đi khai thác xa bờ.

Thuyền nghề của ngư dân Phước Diêm (Thuận Nam).

Trước thực trạng trên, tỉnh Ninh Thuận đã quyết tâm tổ chức lại sản xuất nghề cá và chuyển dịch dần cơ cấu hải sản đánh bắt theo hướng xa bờ, nâng cao giá trị kinh tế. Thực tế đang xuất hiện những nhân tố mới trong khai thác, đánh bắt hải sản ở tỉnh ta, nổi bật là đội 13 tàu nghề lưới rê nylon của ngư dân phường Mỹ Đông (Phan Rang-Tháp Chàm) chuyên khai thác tại vùng biển giàn khoan DK1 và các tàu nghề pha xúc, lưới rê 3 lớp, rê tầng đáy chuyên hoạt động khai thác tại vùng khơi các tỉnh Nam Bộ. Đặc biệt, với 45 tổ đoàn kết sản xuất trên biển (199 tàu cá tham gia), bao gồm 24 tổ hoạt động nghề pha xúc, 13 tổ hoạt động nghề vây rút chì và 8 tổ hoạt động nghề lưới rê, đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong nghề đánh bắt và liên kết giữa các khâu khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần thương mại ở các cảng cá, bến cá. Ngoài ra phải nhắc đến sự chuyển hướng của trên 10 tàu cá nhỏ ở Phước Dinh (Thuận Nam) làm dịch vụ thu mua hải sản vùng lộng, đây được coi là hình thức bước đầu hình thành dịch vụ hậu cần trên biển.

Qua những tín hiệu ban đầu, có thể nói lĩnh vực khai thác đánh bắt hải sản đang có sự nỗ lực rất lớn của ngành NN&PTNT và ngư dân tỉnh Ninh Thuận. Để hỗ trợ ngư dân định vị tàu khi khai thác khơi xa, trong tháng 4, Chi cục KT&BVNLTS đã lắp đặt 53 thiết bị kết nối vệ tinh (thuộc Dự án MOVIMAR) cho 3 tàu kiểm ngư của Chi cục và 50 tàu cá của ngư dân, dự kiến sẽ lắp đặt thêm 27 thiết bị cho các tàu cá trong tháng 5. Theo chúng tôi, với sự quyết tâm triển khai Đề án tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản đến năm 2020 của ngành NN&PTNT, cụ thể là tổ chức, sắp xếp lại nghề đánh bắt hải sản, bước đầu đang tạo động lực mới cho nghề cá tỉnh phát triển theo hướng vươn ra khơi xa.

Vân Tuyền

Báo Ninh Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!