(TSVN) – Thời gian qua, các ngành liên quan của tỉnh Ninh Thuận đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản, về chống khai thác IUU. Qua đó cùng với các các tỉnh, thành ven biển trong cả nước khắc phục triệt để việc khai thác bất hợp pháp, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu u (EC).
Theo Cục Thống kê Ninh Thuận, sản lượng thủy sản trong tháng 9/2023 ước đạt 17,9 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 16,6 nghìn tấn, tăng 7%; tôm đạt 0,6 nghìn tấn, giảm 10,7%; thủy sản khác đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 11,1%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 123,3 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 8,2 nghìn tấn, tăng 5,1%; sản lượng khai thác đạt 115,1 nghìn tấn, tăng 1,7%.
Tàu cá Ninh Thuận vươn khai khai thác hải sản. Ảnh: Nguyễn Thành
Ninh Thuận hiện có 2.284 tàu thuyền đang hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Trong đó 100% tàu cá từ 24 m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình, hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Để đạt hiệu quả khai thác bền vững, ngành chức tỉnh tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản gắn với chuyển đổi nghề một cách phù hợp, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Kiểm soát, xử lý nghiêm các tàu cá “3 không”, tàu vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Để sản xuất thủy sản trên địa bàn hiệu quả hơn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là triển khai có hiệu quả Quyết định số 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 và Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản, tương xứng với lợi thế, tiềm năng sẵn có và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, gắn với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển một số tàu cá có nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập bảo đảm cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.
Ngọc Diệp