T3, 20/08/2024 10:42

Ninh Thuận: Nâng cao năng lực tàu thuyền để khai thác xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với giải pháp cơ cấu lại đội tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.

Huyện Ninh Hải có gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, tổng công suất trên 145.000CV. Để giúp ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả, địa phương khuyến khích và triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn; cải hoán, nâng cấp, bảo dưỡng tàu thuyền; bổ sung ngư lưới cụ; đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt hải sản; chỉ đạo cho các xã Thanh Hải, Vĩnh Hải, Tri Hải, Khánh Hải củng cố lại các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác; tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại ngành nghề. Phối hợp Chi cục Thủy sản tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt xa bờ; tăng cường công tác cập nhật, cung cấp thông tin ngư trường để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả; tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU)… Nhờ đó, đã giúp các chủ tàu, thuyền chấp hành tốt pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong quá trình đánh bắt, khai thác hải sản.

Ngư dân thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải) đầu tư tàu có công suất lớn để vươn khơi khai thác hải sản.

Đến các cảng cá Ninh Chữ, thị trấn Khánh Hải; Mỹ Tân, xã Thanh Hải… trong những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí nhộn nhịp cảnh tàu thuyền vận chuyển các loại cá nục, cá ngừ, cá cơm, mực ống… từ khoang thuyền lên bờ cân bán cho thương lái; đồng thời, tranh thủ vận chuyển lương thực, thực phẩm, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh để tiếp tục vươn khơi. Ngư dân Trần Định ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải phấn khởi cho biết: Vụ cá Nam năm nay thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Hai tháng vừa rồi tàu cá của gia đình tôi đi biển 7 chuyến khai thác tại khu vực biển Ninh Thuận đến Nha Trang (Khánh Hòa) và xung quanh khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nhờ áp dụng các loại máy dò ngang, định vị hiện đại trên tàu cá giúp cho tàu đánh bắt thuận lợi, không mất nhiều thời gian tìm luồng cá như trước đây. Nhờ đó, mỗi chuyến biển tàu khai thác bình quân trên 1,5 tấn cá nục suông, cá ngừ các loại. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu, công trả cho bạn thuyền, gia đình còn thu nhập trên 350 triệu đồng nên rất phấn khởi. Hiện gia đình đang chuẩn bị nhiên liệu cho chuyến biển tới với kỳ vọng khai thác hải sản đạt sản lượng.

Cũng như Ninh Hải, thời gian qua, huyện Thuận Nam cũng khuyến khích và triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, cải hoán, nâng cấp, bảo dưỡng tàu thuyền, trang bị phương tiện hiện đại để vươn khơi bám biển khai thác thủy sản xa bờ. Toàn huyện có trên 910 tàu thuyền đang hoạt động, với tổng công suất trên 246.000CV, trong đó 432 chiếc tàu dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi. Nhờ năng lực tàu thuyền ngày càng phát triển, nên sản lượng khai thác đánh bắt hải sản của huyện hằng năm tăng khá, qua đó giúp kinh tế của những hộ làm nghề biển ngày càng phát triển đi lên. Xã Cà Ná là một ví dụ điển hình, địa phương đang thay đổi diện mạo từng ngày nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có là cảng cá Cà Ná thuận lợi để phát triển nghề khai thác và chế biến thủy sản.

Người dân mua cá cơm tại Cảng Cà Ná (Thuận Nam) để chế biến hải sản. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Nguyễn Duy Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná, cho biết: Toàn xã có 317 tàu cá với tổng công suất khoảng 80.000CV, 46 cơ sở chế biến nước mắm, 20 cơ sở chế biến cá hấp. Nghề biển được xem là nghề chính của người dân ở địa phương. Hiện toàn xã thành lập được 37 tổ, đội đoàn kết và 1 nghiệp đoàn nghề cá hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động trên biển, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân. Đồng thời tham gia cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tỉnh ta có đường bờ biển dài hơn 105km, vùng lãnh hải rộng 18.000 km2 với nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi trồng thủy hải sản; song song với việc tận dụng thế mạnh khai thác để mang lại lợi ích kinh tế, tỉnh luôn chú trọng đến việc bảo vệ, phát triển bền vững những nguồn lợi tài nguyên từ biển. Bên cạnh đó, đã tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác vùng lộng một cách hợp lý. Tăng năng lực đội tàu khai thác xa bờ bằng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá; lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại như máy thông tin liên lạc VX-1700, máy dò ngang Sonar, máy radar hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực… và phát triển nghề lưới vây, câu, chụp, lưới rê hỗn hợp để khai thác hải sản ở vùng khơi cho giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có 2.308 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó có 862 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ.

Tàu thuyền công suất lớn của ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) khai thác hải sản xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Vụ cá Nam được xem là vụ đánh bắt chính trong năm. Do đó, để giúp ngư dân khai thác hiệu quả, ngay từ đầu mùa vụ, Chi cục Thủy sản đã thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản để giúp ngư dân có kế hoạch đánh bắt hiệu quả; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân tu sửa, bảo dưỡng tàu thuyền, máy móc, trang thiết bị hàng hải, bổ sung ngư lưới cụ… Nhờ đó, từ đầu vụ cá Nam đến nay, toàn tỉnh có khoảng 98% tàu thuyền tham gia hoạt động khai thác hải sản chủ yếu là các nghề vây, pha xúc để đánh bắt cá cơm, cá nục… Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã khai thác được gần 57.000 tấn hải sản các loại. Riêng trong vụ cá Nam (từ đầu tháng 4 đến hết tháng 9) được xem là vụ khai thác chính nên ngư dân địa phương rất kỳ vọng sản lượng khai thác toàn tỉnh hứa hẹn đạt 42.000 tấn hải sản các loại. Để khai thác hiệu quả vụ cá Nam, trong thời gian tới, ngành thủy sản tập trung tuyên truyền, động viên, khuyến kích ngư dân vươn khơi bám biển, mở rộng ngư trường, áp dụng một số công nghệ khai thác tiên tiến để khai thác; tổ chức liên kết khai thác trên biển theo các tổ, đội đoàn kết để tăng hiệu quả đánh bắt, giảm chi phí sản xuất; đồng thời đẩy mạnh thông tin ngư trường và thị trường tiêu thụ để ngư dân chủ động vươn khơi, đánh bắt đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, năm nay tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản trên các vùng biển xa; tập trung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với giải pháp cơ cấu lại đội tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguồn: Báo Ninh Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!