Hội Nghề cá Ninh Thuận thường xuyên có nhiều hoạt động góp phần phát triển nghề cá trong tỉnh nói chung, từng địa phương, cơ sở nói riêng, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống ngư dân.
Nhiều điển hình tiên tiến
Toàn tỉnh có 11 xã, phường, thị trấn ven biển có chi hội làm nghề khai thác đang hoạt động hiệu quả, với khoảng 15.000 hội viên. Điển hình có Chi hội Vây rút chì thôn Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải), các Chi hội Nghề cá phường Đông Hải, phường Mỹ Đông (Phan Rang – Tháp Chàm), Chi hội Pha Xúc (xã Phước Diêm, Thuận Nam) và đơn vị hội viên tập thể Hợp tác xã Ngư nghiệp thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) hoạt động nghề lưới đăng. Hội Nghề cá tỉnh đã vận động hội viên, ngư dân khai thác cá 2 vụ (Bắc và Nam), bám biển dài ngày, tổ chức nhiều nghề trên một đơn vị thuyền; đồng thời tác động, phối hợp với ngân hàng giải quyết cho hội viên, ngư dân vay vốn mua ngư lưới cụ, nâng cấp thuyền nghề, chi phí khai thác.
Nuôi tôm đang là thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: Hạ Minh Phú
Quý I/2014, toàn tỉnh khai thác được 40.700 tấn hải sản, đạt gần 60% kế hoạch năm và vượt 892% so cùng kỳ năm trước; nuôi trồng thủy sản trên diện tích 155,5 ha (chủ yếu tôm thẻ chân trắng), đạt 11,96% kế hoạch, bằng 70% so cùng kỳ năm trước; 450 cơ sở, doanh nghiệp đã sản xuất 4,918 tỷ con giống (4,2 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 700 triệu con tôm sú), đạt 25,8% kế hoạch và tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước.
Không ngừng đổi mới, hoàn thiện
Bà Bùi Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá Ninh Thuận cho biết, có được những thành quả này là sự phối hợp hành động của các cấp, ngành, sự đồng lòng của hội viên, ngư dân, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của UBND tỉnh. Theo tiến trình hoạt động đến năm 2015, Hội Nghề cá tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động phù hợp yêu cầu phát triển nghề cá. Hội có trách nhiệm vận động hội viên, ngư dân thực hiện khai thác gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống thiên tai.
Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa thông qua đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 – 2020”, nhằm tổ chức lại nghề cá ven bờ và phát triển khai thác hải sản xa bờ một cách hợp lý theo hướng tăng nhanh tàu cá công suất lớn, giảm mạnh tàu cá công suất nhỏ và thay đổi cơ cấu nghề theo hướng phát triển các nghề khai thác được hải sản có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% số tàu cá công suất 90 CV trở lên (hơn 600 tàu) hoạt động đúng vùng khai thác theo quy định (vùng khơi), trong đó đội tàu thực hiện khai thác vùng biển xa đạt 20 chiếc; với 70 – 75% số tàu là thành viên các tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Đồng thời, đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 50% tổng số lao động trên tàu cá; từng bước tổ chức hợp tác sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần, khai thác, vận chuyển đến thu mua, chế biến, tiêu thụ theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần trên ngư trường; thành lập 1 – 2 nghiệp đoàn nghề cá từ các tổ đoàn kết, hợp tác xã khai thác xa bờ và biển xa.
Cùng đó, năm 2014, Hội tham gia thực hiện Dự án “Bảo hộ thương hiệu tập thể tôm giống Ninh Thuận”; hỗ trợ ngư dân hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch giai đoạn (2014 – 2015), hỗ trợ đóng mới 2 tàu khai thác thủy sản có hầm bảo quản, thực hiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, phát huy hiệu quả tổ đội sản xuất trên biển.
>> Bà Nguyễn Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá Ninh Thuận: “Chúng tôi mong được công nhận là hội đặc thù, tạo thêm điều kiện hoạt động; thu hút, tập hợp thêm được nhiều thành phần tham gia, để hoạt động Hội ngày càng hiệu quả”. |