Ninh Thuận: Ngư dân đưa mực “đang bơi” về bờ – biến giấc mơ khó tin thành sự thật

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Không chỉ thành công đưa mực đang bơi về bờ, anh Nguyễn Bá Ngọc (xã Nhơn Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) còn thành công trong việc nhân giống và nuôi mực ở môi trường bán tự nhiên. Dự án “Mực nhảy Biển Đông” của anh đã giành giải Nhất cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm 2022.

Anh Nguyễn Bá Ngọc quê gốc ở Hà Tĩnh – vùng biển vốn nổi tiếng với món mực nhảy Vũng Áng – riêng gia đình anh có truyền thống 4 đời làm ngư dân. Tuy nhiên mực nhảy Vũng Áng khó bảo quản, chỉ có thể phục vụ tại các lồng bè ở địa phương, bởi vậy anh Ngọc ấp ủ ý tưởng đưa mực nhảy lên bờ và phân phối đi xa hơn. 

Nhà sáng lập Nguyễn Bá Ngọc và con mực nhảy được đánh bắt từ biển về. Ảnh: ST

Trước đó nhờ khởi nghiệp với công ty xây dựng, làm chuỗi gạch tranh 3D, mở nhà hàng, anh đã có một số vốn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh Năm 2019, chàng thanh niên sinh năm 1989 đã quyết định “nam tiến” để triển khai ý tưởng.

Năm 2021, anh Ngọc lên kế hoạch nghiên cứu để giữ mực sống được như môi trường nước biển. Anh mạnh dạn đầu tư lồng nuôi mực bán tự nhiên với diện tích hơn 2.300m2 tại vùng C3 thuộc xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải). Anh vẫn nhớ như in lần đầu tiên trình bày ý tưởng với ngư dân Nha Trang về việc đưa mực tươi sống về bờ, nhiều người đã từ chối hợp tác mặc dù anh sẵn sàng bỏ vốn đầu tư lồng, bể riêng biệt và thiết bị sục khí trên thuyền cho ngư dân. Nhưng dường như tất cả đều không có lòng tin với kế hoạch của anh Ngọc, bởi họ cho rằng mực thuộc loại khó bảo quản nhất trong các loại hải sản sau khi khai thác, chỉ cần đưa lên bờ 30 giây là mực đã chết. Do đó, vận chuyển mực còn đang bơi (mực nhảy) vào đất liền là điều không thể.

Không nản lòng, anh đã bắt tay vào tự thiết kế và đầu tư hộp thông thủy từ đáy thuyền xuống biển để lắp vào thuyền đánh cá cho ngư dân. Dự án này được anh đặt tên là “Mực nhảy Biển Đông”. Theo đó, sau khi đánh bắt, mực được đưa ngay vào vào hộp thông thủy có môi trường nước giống như ở biển. Khi lên bờ, mực tiếp tục nhanh chóng được chuyển vào bể hoặc hệ thống lồng bè. Xe tải sử dụng để chuyên chở mực có bể chứa nước với độ lạnh, độ mặn giống như môi trường thực tế. Với quy trình khép kín này, mực hoàn toàn tươi sống khi đến tay khách hàng. 

Trại ấp trứng mực và chăm sóc mực non của anh Ngọc. Ảnh: Thanh Linh.

Theo ước tính của anh Ngọc, mỗi năm thị trường Việt Nam cần tiêu thụ hàng ngàn tấn mực nhảy, nên mô hình của anh có tiềm năng rất lớn. Hiện anh đang hợp tác với khoảng 250 ngư dân đến từ những ngư trường lớn như Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu… và thu mua mực nhảy từ ngư dân với giá 250.000 – 350.000 đồng/kg, thay vì 80.000 – 130.000 đồng/kg với cách đánh bắt truyền thống. Mỗi tháng, mô hình cung cấp cho thị trường khoảng 300 – 500 kg mực nhảy, thậm chí vào những lúc cao điểm, con số có thể lên đến 3 – 4 tấn. 

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Bá Ngọc còn triển khai nghiên cứu, nhân giống và nuôi mực. Nếu như trước đây, để nuôi mực, các trang trại và ngư dân thường bắt con giống từ tự nhiên và đem về nuôi đến khi trưởng thành. Với mô hình mà anh Ngọc triển khai, mực bố mẹ được bắt về từ biển sẽ được đẻ lấy trứng; tiếp đó đem trứng ra trại ấp, khoảng 25 – 30 ngày tuổi thì con non được đưa trở lại biển nuôi thành mực thương phẩm. So với các mô hình nuôi mực công nghiệp, dự án nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên có diện tích nuôi lớn, xung quanh có tường bao, phần đáy là đáy biển tự nhiên, hoàn toàn không có lưới. Mô hình tiết kiệm khoảng 70% thức ăn so với hình thức nuôi công nghiệp, tránh tình trạng bị ép giá khi mực thương phẩm đến thời điểm thu hoạch.

Dự kiến khi mô hình nuôi mực bán tự nhiên mở rộng và hoạt động ổn định, anh Nguyễn Bá Ngọc sẽ tuyển thêm ngư dân, người lao động trên biển về làm việc, từ đó giảm gánh nặng cho hệ sinh thái biển, bởi hơn ai hết anh hiểu rõ “Ngư dân là những người hiểu biển nhất, muốn thay đổi cách ngư dân đánh bắt hải sản, phải đảm bảo kế sinh nhai cho họ”. 

Khánh Nguyễn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!