Chỉ có tàu công suất lớn mới bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều hải sản – ngư dân Nguyễn Văn Bông, xã Phước Diêm (Thuận Nam), quả quyết. Thực tế những “tỷ phú” ở các làng biển trong tỉnh Ninh Thuận đều có đội tàu “hùng hậu”, tổng kết mỗi năm làm nghề thu lãi từ 2 – 3 tỷ đồng.
Khai thác hải sản ngoài khơi xa mang lại hiệu quả cao nên gần đây có nhiều ngư dân “đầu tư” đóng thêm tàu mới. Cuộc “chạy đua” đóng tàu lớn của ngư dân trong tỉnh đã hình thành ngày càng nhiều các đội tàu đánh bắt xa bờ, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân đóng tàu mới chuẩn bị ra khơi.
Tại cơ sở đóng tàu Phúc Lai (nằm sát Cảng cá Cà Ná) không khí lao động rất nhộn nhịp. Trong bãi đất rộng 2 ha có 11 chiếc tàu lớn công suất trên 500 CV đóng mới đã hoàn thành chuẩn bị hạ thủy khai thác vụ cá Nam, 6 chiếc tàu khác đang được thợ ráp sườn, độ 2 tháng nữa là xong. Anh Lê Văn Thái, Giám đốc Cơ sở đóng tàu Phúc Lai, cho biết: Trước đây, chúng tôi chủ yếu nhận cải hoán, sơn, sửa tàu, từ năm 2013 đến nay ngư dân đóng mới tàu nhiều, số lượng hàng chục chiếc. Chỉ riêng ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam), từ đầu năm đến nay đóng mới được 5 chiếc, dự kiến từ nay đến cuối năm có thêm 4 tàu mới được hạ thủy.
Những tàu đóng mới có sự nâng cao về kích thước và công suất. Máy tàu mã lực 250 CV dùng đánh bắt xa bờ lâu nay được thay thế bằng máy có công suất gấp đôi, gấp ba lần. Trước đây tàu vỏ gỗ dài dưới 20 mét được cho là lớn, nhưng nay ngư dân “chê nhỏ” đóng tàu mới dài đến 24, 25 mét. Ngư dân Phan Văn Thạch ở thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná vừa đóng mới tàu công suất 400 CV, cho biết: Đội tàu của tôi chuyên đánh bắt ở các ngư trường xa. Nhận thấy tàu lớn có ưu thế vượt trội, đủ nhiên nhiệu khai thác nhiều ngày, vận tốc nhanh đuổi kịp hướng di chuyển của đàn cá, do đó hiện nay ngư dân có xu thế đóng tàu hiện đại.
Điều đáng nói, mặc dù chi phí đóng tàu lớn rất cao, nhưng ngư dân vẫn mạnh dạn huy động vốn đầu tư. Loại vỏ tàu dài 18m, chi phí hết khoảng hơn 1 tỷ đồng, trong khi dài trên 24m giá tăng gấp 3 lần. Kèm theo vỏ tàu lớn, máy tàu cũng phải có công suất từ 300 mã lực trở lên. Hiện nay ngư dân chủ yếu dùng các loại máy thủy đã qua sử dụng, xuất xứ Nhật Bản, như: Yanmar, Nikita, có giá từ 250 đến 300 triệu đồng/máy.
Nhu cầu đóng tàu mới của ngư dân cao, nên công nhân các cơ sở đóng tàu Phúc Lai, Đại Thịnh ở xã Cà Ná làm việc cập lực nhưng chỉ đáp ứng được 50%. Vì muốn sớm có tàu mới đưa vào đánh bắt khơi xa trong vụ cá Nam một số ngư dân đã ra ngoài tỉnh đặt hàng. Anh Lê Văn Mai, vừa ra Cam Ranh (Khánh Hòa) nhận tàu mới về, cho biết: Đóng tàu ở trong tỉnh thuận tiện coi ngó, bớt được chi phí đi lại, nhưng vì tôi muốn sớm có tàu mới đưa vào sản xuất nên mới ra ngoài tỉnh đóng. Ông Nguyễn Hữu Ái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cà Ná, cho biết: Chỉ có vươn ra khơi xa đánh bắt mới mang lại hiệu quả cao. Đó là lý do để ngư dân tập trung cải hoán tàu, đóng mới tàu ngày một hiện đại hơn. Các cấp, ngành chức năng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp tục đóng tàu lớn vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản và làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Toàn huyện Thuận Nam có 1.005 chiếc tàu, với tổng công suất trên 138.000 CV, xã Cà Ná và Phước Diêm có nghề khai thác hải sản phát triển. Năm 2013, toàn huyện khai thác được trên 37.000 tấn hải sản, năm nay phấn đấu khai thác 40.000 tấn, riêng từ đầu năm đến nay khai thác được khoảng gần 20.000 tấn. Theo ngư dân, hiện nay đã qua giai đoạn giao thời giữa vụ cá Bấc và vụ cá Nam nên ngư trường bắt đầu xuất hiện nhiều cá, các đội tàu đánh bắt xa bờ đã ra khơi. Tại Cảng cá Cà Ná tàu thuyền vào ra tấp nập, nhiều chiếc mới đóng giăng cờ Tổ quốc hướng thẳng ra khơi. Anh Trần Quang, chỉ huy đội tàu 5 chiếc, thổ lộ: Ngư dân đang hào hứng vươn ra khơi xa đánh bắt vụ cá Nam. Có thêm tàu lớn chúng tôi sẽ kiên trì bám trụ ngoài khơi, đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.