Kết thúc năm 2012, nhìn về tổng thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận đã có đánh giá khá lạc quan về phát triển của ngành thủy sản, nhất là hoạt động khai thác hải sản. Nhìn chung, mặc dù chi phí sản xuất tăng, song nhờ khai thác đạt hiệu quả cao, tình hình tiêu thụ và giá các loại hải sản ở mức khá nên hầu hết các thuyền nghề tham gia đánh bắt đều có lãi cao.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KT&BVNLTS) tỉnh Ninh Thuận, tháng vừa qua do liên tục có những đợt không khí lạnh tràn về nên vùng biển có gió Đông Bắc cấp 6, cấp 7 làm biển động mạnh khiến việc khai thác diễn ra không thường xuyên, liên tục.
Ngư dân huyện Ninh Hải được mùa vụ cá Nam – Ảnh: Duy Anh
Trong tổng số gần 2.600 tàu cá toàn tỉnh chỉ có khoảng 40% đi biển, ngoài chủ yếu là tàu có công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, còn có một số tàu nghề lưới rê nylon (của ngư dân phường Mỹ Đông, Phan Rang-Tháp Chàm) khai thác tại vùng biển DK1 và có khoảng 100 tàu cá hành nghề pha xúc thuộc các xã Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam) hoạt động ở vùng biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau. Dù vậy với sản lượng hải sản khai thác trong tháng đạt trên 2.032 tấn đã nâng tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh trong năm dự kiến lên trên 63.669 tấn, vượt 11,70% kế hoạch và tăng 13,90% so với năm trước. Anh Phạm Nguyên ở Đông Hải, chủ chiếc tàu 140 CV làm kiêm nghề lưới ba màn, lưới bẫy và lưới nổi cho biết: Những tháng vụ Bấc không mấy khi chúng tôi đi biển, nhưng nhờ trong vụ Nam có những tháng có mật độ cá xuất hiện rất dày và ít di chuyển, đã tạo điều kiện cho các nghề lưới nổi khai thác đạt hiệu quả.
Để có được sản lượng khai thác hải sản trên, theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước hết là nhờ sự phát triển của năng lực tàu cá trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 2.604 tàu cá, với tổng công suất 214.325 CV, riêng tàu công suất từ 90 CV trở lên chiếm khoảng trên 29% số tàu thuyền và trên 78% tổng công suất. So với đầu năm, năng lực tàu cá toàn tỉnh đã có thêm 40 chiếc (11.677 CV) đóng mới và 35 chiếc (4.803 CV) mua ngoài tỉnh đưa về. Cùng với yếu tố cơ cấu tàu cá đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tăng thêm năng lực đánh bắt xa bờ, đáng chú ý còn có yếu tố sự thay đổi dần nhận thức, tư duy hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân. Hầu hết các chủ phương tiện có công suất máy lớn đều trang bị đầy đủ máy tầm ngư, máy định vị, máy thông tin liên lạc, máy thu lưới, hệ thống tời cảo,… Trong đó không thể không nhắc tới yếu tố Chi cục KT&BVNLTS đã làm tốt công tác thông tin ngư trường, tổ chức hướng dẫn ngư dân đưa phương tiện và thuyền nghề đến khai thác kịp thời và đạt hiệu quả.
Hải sản khai thác được đưa về Cảng cá Ninh Chử – Ảnh: Văn Miên
Nhìn từ góc độ sản lượng hải sản khai thác đạt được, có thể thấy nỗ lực rất lớn của ngành NN&PTNT và ngư dân tỉnh ta. Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ sớm vượt chỉ tiêu kế hoạch năm mà đáng nói là việc thành lập mới 11 tổ đoàn kết sản xuất trên biển (gồm 49 tàu), nâng tổng số lên 41 tổ (187 tàu), qua đó đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong nghề đánh bắt và liên kết giữa các khâu (khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần, thương mại ở các cảng cá, bến cá nên tình hình tiêu thụ nhanh hơn và giá sản phẩm tiếp tục tăng so với năm trước. Để nâng trình độ kỹ thuật của ngư dân, Chi cục KT&BVNLTS đã phối hợp với trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang tổ chức đào tạo nghề cho 210 thuyền viên, 105 thuyền trưởng hạng 5; 140 thuyền trưởng hạng 4; 35 máy trưởng hạng 5 và 105 máy trưởng hạng 4 tàu cá. Sự nỗ lực của ngành còn thấy rõ qua việc tổ chức cho 11 lượt tàu cá khai thác tại các vùng biển xa (khu vực Trường Sa).
Tuy nhiên dù đánh bắt được nhiều hải sản ở vùng biển xa, nhưng theo anh Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS, cơ cấu sản phẩm chưa có dấu hiệu chuyển dịch mạnh. Cụ thể trong tổng sản lượng đánh bắt năm nay, cá cơm, cá nục vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70-80%). Điều này không lạ khi mà cơ cấu thuyền nghề tỉnh ta chủ yếu là pha xúc, vây rút chì, lưới rê chỉ chuyên khai thác cá nổi, nhất là nghề pha xúc đánh bắt cá cơm chiếm đa số. Trong thực tế, tàu thuyền tỉnh ta chỉ đi xa khỏi vùng biển tỉnh chứ không phải xa bờ. Anh Nguyễn Tăng, chủ chiếc tàu 450 CV làm nghề pha xúc kiêm vây rút ở xã Cà Ná (Thuận Nam) giải thích: “Tàu của tôi chuyên nghề này nên không nhất thiết phải ra khơi xa làm gì, đi quá xa bờ sẽ không gặp được đàn cá nổi lấy gì bù chi phí, nên chúng tôi thường rải dọc trên vùng lộng từ tỉnh ta đến Cà Mau, có đi xa nhưng thực sự chưa ra đến vùng khơi.”
Trong kế hoạch năm 2013, ngành NN&PTNT đề ra chỉ tiêu đạt sản lượng hải sản khai thác 65.000 tấn. Vấn đề là làm sao khai thác đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho phát triển kinh tế hướng ra biển? Theo anh Đặng Văn Tín, điều cần thiết nhất là tỉnh ta phải có chính sách khuyến khích ngư dân chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề, thay đổi tập quán đi ngắn ngày, mạnh dạn khai thác trên các ngư trường xa bờ. Điều này đồng nghĩa với tổ chức lại sản xuất và chuyển dịch dần cơ cấu hải sản đánh bắt theo hướng nâng cao giá trị kinh tế.