Để cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các giải pháp để phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo Chi cục Thủy sản, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh hiện có 2.320 chiếc, trong đó tàu cá từ 15 mét trở lên 884 chiếc, tàu cá đang hoạt động là 877 chiếc (877/877 tàu cá đang hoạt động lắp thiết bị giám sát hành trình, 7 tàu cá năm bờ không tham gia khai thác thủy sản). Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực làm việc trực tiếp với các địa phương để thống kê, xử lý nhóm tàu “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm), tàu hết hạn giấy phép. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc khai thác thủy hải sản; hầu hết tàu cá hoạt động vùng khơi đều được kiểm tra trước khi rời cảng và cập cảng. Qua theo dõi, nhiều năm qua, toàn tỉnh không có trường hợp tàu cá tham gia khai thác hải sản trên biển vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, trả về.
Triển khai thực hiện Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT), lực lượng chức năng đã tổ chức hướng dẫn cho 125 lượt tàu cá thực hiện khai báo qua eCDT khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Ban quản lý khai thác các cảng cá đã thẩm định và cấp 131 giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác với tổng khối lượng 1.464,220 tấn. Đến thời điểm hiện tại các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, cảng cá, Chi cục Thủy sản đều đã có thể tham gia thao tác trên hệ thống. Về công tác quản lý tàu cá, từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức triển khai nhiều đợt tuyền truyền vận động các chủ tàu thực hiện thủ tục cấp đăng ký, đánh dấu tàu cá và cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản. Hiện toàn tỉnh còn 1.112 tàu cá chưa được cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản. Trong đó có 978 tàu đã hết hạn giấy phép khai thác; 134 tàu chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đa phần các tàu cá thuộc vùng ven bờ và lộng không còn trong thực tế, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xác minh, đối với các trường hợp đã hư hỏng, mất tích để thực hiện xóa đăng ký.
Nhằm quản lý chặt các tàu cá “3 không”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Kế hoạch số 97/KH-SNNPTNT ngày 22/7/2024 triển khai đăng ký, quản lý tàu cá phát sinh chưa đăng ký của tỉnh. Hiện nay, các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ cấp đăng ký cho 17/417 tàu; dự kiến hoàn thành việc đăng ký cho nhóm tàu này trong năm 2024. Về việc đánh dấu tàu cá, toàn tỉnh hiện có 431/2.720 tàu cá chưa thực hiện đánh dấu tàu cá (đạt 84,15%), các tàu chưa đánh dấu chủ yếu là các tàu thuộc nhóm tàu cá “3 không” chưa được đăng ký, chủ yếu hoạt động ở vùng lộng. Trong năm 2024, tỉnh đã phát hiện xử lý 2 trường hợp tàu cá trong tỉnh và 2 trường hợp tàu cá ngoài tỉnh vi phạm quy định về thiết bị VMS. Đây là những trường hợp tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình nhưng thuyền trưởng, chủ tàu không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng với tổng số tiền xử phạt 100 triệu đồng (25 triệu/trường hợp vi phạm).
Theo Chi cục Thủy sản, khó khăn hiện nay đó là hạ tầng các cảng cá bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn vệ sinh đã ảnh hưởng đến các hoạt động tháo gỡ “thẻ vàng”. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát tàu cá hiện còn mỏng, chưa đáp ứng được mục tiêu thực hiện kiểm tra kiểm soát 100% tàu cá qua cảng, phương tiện tuần tra, kiểm soát trang bị cho lực lượng kiểm ngư hiện không đáp ứng được hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại vùng lộng. Việc triển khai khắc phục các tồn tại trong công tác chống khai thác IUU, gặp nhiều khó khăn, do các tàu cá “3 không” chủ yếu là tàu cá nhỏ (dưới 12m); việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với các trường hợp này gặp khó khăn, do các đối tượng này thuộc diện khó khăn về kinh tế. Qua rà soát thực tế, rất nhiều tàu cá đã không còn hoạt động tại địa phương (chìm, bỏ bờ, bán khỏi địa phương); nhiều tàu cá được mua, bán qua nhiều chủ tàu nên không nhớ rõ thông tin của chủ ban đầu. Ngoài ra, còn có một số khó khăn trong công tác triển khai sử dụng hệ thống truy xuất eCDT như: Phần mềm mới được triển khai đưa vào sử dụng, nên ngư dân chưa quen tiếp cận, thao tác trên điện thoại; trang thiết bị tại các cảng cá còn hạn chế nên việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, thiết bị VSS của VNPT bị hỏng dẫn đến nhiều tàu cá của tỉnh bị mất tín hiệu VMS khi đang hoạt động trên biển. Việc này đã ảnh hưởng nhiều đến công tác giám sát tàu cá trên biển gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU, góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra các tàu cá mất tín hiệu VMS thuộc Chi cục Thủy sản và các cơ quan liên quan; thành lập tổ liên ngành VMS theo chỉ đạo của Chính phủ; thành lập đoàn giám sát công tác IUU tại các địa phương. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, kiên quyết không cho tàu cá tham gia khai thác hải sản đối với các tàu chưa lắp giám sát hành trình, chưa đánh dấu tàu cá, chưa được cấp phép, giấy phép khai thác thủy sản. Ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm ranh giới cho phép trên biển khai thác thủy sản trái phép. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU và công bố rộng rãi hành vi vi phạm để ngư dân được biết. Đặc biệt là các trường hợp tàu cá có hoạt động khai thác hải sản nhưng cố tình không lắp đặt hoặc có lắp đặt thiết bị VMS nhưng không duy trì tín hiệu trong thời gian hoạt động trên biển; vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Tổ chức triển khai đúng quy định về công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng đảm bảo theo chuỗi; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác theo quy định có sự kiểm tra đối chiếu dữ liệu từ nhật ký khai thác, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase, hệ thống giám sát hành trình tàu cá.
Anh Tuấn
Nguồn: Báo Ninh Thuận