Từ tháng 9/2013, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận đã triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP cho cơ sở Anh Khoa (thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, Thuận Nam). Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra triển vọng mới cho người nuôi tôm phát triển nghề theo hướng bền vững.
Anh Vũ Hoài Chung, cán bộ phòng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản (Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Nuôi tôm thâm canh theo mô hình VietGAP có quy trình giống như mô hình nuôi tôm truyền thống. Điểm khác biệt là hộ nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Trên diện tích 5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Nguyễn Văn Vinh, chủ cơ sở Anh Khoa chia nhỏ các ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.000 m2. Để ương con giống, anh đầu tư 2 ao (500 m2/ao), khi ương 25 – 30 ngày tuổi tôm cứng được đưa sang ao nuôi thương phẩm. Anh Vinh cho biết, con giống được mua từ cơ sở cung cấp giống đạt tiêu chuẩn, qua kiểm dịch trước khi thả nuôi, mua thức ăn từ đại lý đảm bảo uy tín chất lượng. Trong suốt quá trình nuôi, anh chỉ dùng các loại thuốc, hoá chất nằm trong danh mục được phép lưu hành, ghi chép cẩn thận “nhật ký ao nuôi” từ khâu nhập con giống, thức ăn, cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch. Theo anh Vinh, nếu làm tốt kỹ thuật, tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sau 70 – 90 ngày. Năng suất trung bình ước đạt 22 – 25 tấn/ha /vụ, trừ chi phí gia đình anh thu lãi 150 – 200 triệu đồng/ ha.
Qua kiểm tra, đánh giá các thông số, tháng 12/2013, Tổng cục Thuỷ sản đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm Anh Khoa. Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP giúp cơ sở tạo lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu cho cơ sở, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong điều kiện giá tôm không ổn định như hiện nay, mô hình nuôi tôm VietGAP mở ra hy vọng mới cho nông dân, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra sản phẩm để phát triển nghề nuôi bền vững. Đối với các doanh nghiệp thu mua, tôm “sạch” theo tiêu chí VietGAP đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, doanh nghiệp yên tâm về sản phẩm chào bán, tự tin chinh phục các thị trường chiến lược như Nhật Bản, Mỹ, EU.
Từ triển vọng của mô hình nuôi tôm VietGAP, Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận tổ chức mở hội nghị nhân rộng mô hình VietGAP, tạo cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp thu mua nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn đầu ra sản phẩm, có cơ chế ưu đãi cho sản phẩm tôm sạch. Chủ trương của ngành là tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình tới các cơ sở nuôi tôm lớn trên địa bàn tỉnh và trước mắt làm điểm vùng nuôi tôm trên cát.