(TSVN) – Với mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, là trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao, du lịch biển Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Ninh Thuận cần biến thách thức thành cơ hội và động lực để phát triển.
Thời gian qua, lĩnh vực khai thác hải sản của tỉnh Ninh Thuận chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; năng lực tàu thuyền đều được nâng lên về công suất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản làm khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển khơi. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 2.235 tàu tham gia khai thác vùng biển xa, tăng hơn 1.213 tàu so với năm 1992. Ngư trường đánh bắt được mở rộng, sản lượng hải sản tăng nhanh, từ 12.600 tấn năm 1992 tăng lên 124.000 tấn năm 2021, tăng gấp 9,8 lần, tăng trưởng bình quân 8,2%, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Khi năng lực khai thác, đánh bắt ngày càng phát triển, tỉnh Ninh Thuận cũng phải tuân theo các quy định về chống khai thác IUU, đảm bảo nguồn hải sản minh bạch để tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, chống khai thác IUU là yêu cầu cấp bách; trong đó, thực hiện đúng Luật Thủy sản 2017 là yêu cầu sát sao của ngành nông nghiệp Ninh thuận, để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề cá phát triển. Theo đó, Sở đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan để tổ chức tuyên truyền các nội dung về chống khai thác bất hợp pháp; tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Ninh Thuận khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.
Ninh Thuận chú trọng phát triển lĩnh vực kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến. Nguồn thegioihoinhap.vn
Đến nay, Ninh Thuận đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 779 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên. Tuy nhiên, lắp thiết bị giám sát hành trình vẫn chỉ là một trong những giải pháp quản lý bề nổi nghề cá. Sở NN&PTNT tỉnh vẫn tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi từng trường hợp, xử lý theo đúng quy trình; thông báo đến lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương để làm việc với chủ tàu, lập biên bản, xác định rõ nguyên nhân, lý do khi xảy ra tình trạng mất kết nối, đứt liên lạc, đặc biệt là với nhóm tàu cá có chiều dài 24 m trở lên. Bên cạnh đó, để thực hiện sát các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp tại khu vực biển Ninh Thuận, tỉnh còn thực hiện các hoạt động truy xuất nguồn gốc cá ra vào cảng, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng cá được bốc dỡ qua cảng. Từ năm 2018, tỉnh Ninh Thuận đã lập 2 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cà Ná và Ninh Chữ, để kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời bến và cập bến. Ban quản lý các cảng trực tiếp giám sát bốc dỡ để thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản vào cảng.
Ngày 17/1/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TW về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo hài hòa giữa các hệ sinh thái biển theo khu vực. Theo đó, Ninh Thuận tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống các loài thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, phát triển hiệu quả khai thác vùng khơi, tổ chức lại khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Sở NN&PTNT Ninh Thuận cũng tổ chức các mô hình kết hợp dân sự với quân đội, ngư dân với doanh nghiệp trong khai thác hải sản trên biển, đặc biệt trên các vùng quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tổ chức hiệu quả các mô hình tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển kinh tế biển, Ninh Thuận đã khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến hải sản, công nghiệp khai thác, chế biến muối và sản phẩm sau muối, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản, phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, nước mắm…
Tính đến cuối năm 2021, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 55 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký 8.218,3 tỷ đồng; đến nay, có 35 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất cho ngành Công nghiệp như: Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu công suất 8.000 tấn/năm; dự án sản xuất và xuất khẩu muối Quán Thẻ quy mô 2.510 ha, sản lượng 500.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến nước mắm CaNa 3 triệu lít/năm… Giá trị sản xuất công nghiệp biển và ven biển tăng nhanh, tỷ trọng công nghiệp biển và ven biển trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm 73,1%. Đồng thời, phát triển kinh tế hàng hải gắn với cảng biển nước sâu Cà Ná luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai đầu tư, trong đó dự án Cảng tổng hợp Cà Ná có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả cảng biển nước sâu, phục vụ lưu thông hàng hóa qua cảng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Hải Lý
Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận vào sáng 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý, địa phương phải phát triển kinh tế biển toàn diện hơn, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ngư dân tiếp tục góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, không đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.