Còn rất ít thời gian để Việt Nam hoàn tất các khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EC) trước khi đón đoàn kiểm tra đánh giá của họ dự kiến vào tháng 11/2019. Ở trong nước, các tỉnh, thành phố đang rất quyết liệt thực hiện.
Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra
Kiểm soát chặt chẽ
Tại Bình Thuận, mặc dù UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo, gắn trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu; các lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tổ chức tuần tra, phát hiện 307 trường hợp khai thác bất hợp pháp, xử phạt hành chính 1,4 tỷ đồng và tước quyền sử dụng 20 giấy phép khai thác thủy sản. Mới đây, ngày 6/8, UBND tỉnh đã gửi văn bản hỏa tốc cho các cơ quan và Ban Quản lý các cảng cá Phan Thiết, Phan Rí Cửa, La Gi về việc tăng cường kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cảng cá. Theo đó, yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền tới ngư dân, chủ tàu; kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm khai thác IUU tại cảng cá…
Còn ở Khánh Hòa, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, triển khai quyết liệt Luật Thủy sản 2017 và thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đến 5.000 lượt chủ tàu cá về Luật Thủy sản, chống khai thác IUU; lắp các bảng tuyên truyền chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, bản đồ thể hiện ranh giới vùng biển, logo an toàn cá heo trên 600 tàu cá hoạt động thường xuyên ở vùng biển xa. Toàn bộ chủ tàu, thuyền trưởng của hơn 750 tàu cá xa bờ đã ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Toàn tỉnh đã thành lập 4 Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh. Từ khi thành lập vào tháng 4/2018 đến nay, các Văn phòng đã kiểm tra 9.518 lượt tàu cá rời cảng, cập cảng với tổng sản lượng gần 55.000 tấn.
Cùng đó, tiến hành xác nhận nguyên liệu thủy sản cho 215 lô hàng, với sản lượng hơn 14.500 tấn; cấp chứng nhận thủy sản khai thác cho 878 lô hàng xuất khẩu (trong đó có 623 lô hàng xuất sang thị trường châu Âu), với tổng sản lượng hơn 8.100 tấn. Để giúp truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác được rõ ràng, minh bạch, góp phần vào nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” của EC, Khánh Hòa đã tổ chức 3 chuỗi liên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản với 150 tàu cá, thuộc 3 tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn tỉnh. Ngành thủy sản tỉnh còn hoàn thiện hoạt động của 8 nghiệp đoàn nghề cá, 70 tổ hợp tác nghề cá với 623 tàu cá tham gia, hỗ trợ trong sản xuất và nhắc nhở nhau không vi phạm quy định chống khai thác IUU.
Mạnh tay hơn nữa
Ghi nhận kết quả của các tỉnh trong chuyến công tác tại miền Trung vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Bình Thuận trong việc thực hiện chống khai thác IUU nói riêng và phát triển lĩnh vực thủy sản nói chung, nhất là việc tái cơ cấu ngành thủy sản. Mặt khác, chỉ còn thời gian ngắn, phía EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” thủy sản, tỉnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục những tồn tại; Phải chấm dứt tình trạng tàu vi phạm; đồng thời, xử lý nghiêm khắc các trường hợp tàu cá vi phạm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan để đề ra giải pháp cụ thể và triển khai ngay. Ngoài ra, địa phương cũng phải tiếp tục triển khai các giải pháp về kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản qua cảng phải thực hiện logic với truy xuất nguồn gốc nguyên liệu khai thác; củng cố, đầu tư hệ thống quản lý giám sát, trang thiết bị và nhân lực cũng phải đảm bảo đáp ứng các nội dung công việc theo chỉ tiêu đánh giá của EC.
Còn với Khánh Hòa, sau khi thăm một số tàu cá, nắm bắt tình hình khai thác hải sản, động viên ngư dân bám biển; thị sát hoạt động của cảng, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Hòn Rớ…; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị UBND tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền Luật Thủy sản, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU. Đối với 4 nhóm khuyến nghị của EC, tỉnh cần làm ngay việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá, ghi nhật ký khai thác của ngư dân; chú trọng kiểm soát sản lượng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU; quan tâm bố trí thêm nhân lực, trang thiết bị cho các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong việc kiểm tra, kiểm soát nghề cá…
Nhân dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị lực lượng chức năng Trung ương cần tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển khơi, đặc biệt là các ngư trường giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước lân cận; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm, đồng thời hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên các vùng biển hoặc khi bị lực lượng chấp pháp nước ngoài ngăn chặn, xua đuổi hoặc bắt giữ trái phép.
>> Hoạt động kiểm tra của Bộ NN&PTNT vừa qua được tiến hành tại nhiều địa phương ven biển trong cả nước, đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của EC đối với hoạt động khai thác IUU nhằm chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của EC dự kiến sẽ sang Việt Nam vào tháng 11 tới. |
Vân Anh