(TSVN) – Hiện nay, nhiều địa phương sản xuất tôm trọng điểm phía Nam đã dần nới lỏng giãn cách xã hội, chính quyền địa phương tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất. Đã có những tín hiệu sáng từ giá cả và tình hình xuất khẩu, tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người thì việc ngành tôm phục hồi hoàn chỉnh còn rất gian truân.
Tại tỉnh Bạc Liêu, sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đã dần hồi phục và lóe lên những tín hiệu vui. Phấn khởi nhất là những hộ nuôi tôm, bởi sau thời gian dài sụt giảm, giá tôm nguyên liệu đã tăng trở lại. Cụ thể, TTCT loại 20 con/kg có giá 225.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 105.000 đồng/kg; loại 100 con/kg giá 87.000 đồng/kg… Còn giá tôm sú cũng tăng khoảng 3 – 5% so với đợt cao điểm của dịch bệnh. Tôm sú loại 20 con/kg giá 220.000 đồng/kg, 30 con/kg giá 190.000 đồng/kg và 40 con/kg là 170.000/kg. Người nuôi hy vọng giá tôm nguyên liệu bình ổn để có được niềm vui trọn vẹn.
Còn tại tỉnh Cà Mau, theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh thì ngay trong tháng 9, tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước, riêng sản lượng tôm tăng 9,3%. Cùng đó, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 của tỉnh đạt 103,3 triệu USD, tăng 19,6% so với tháng trước, trong đó công lớn là của con tôm.
Và ở tỉnh Sóc Trăng, tín hiệu vui của ngành tôm cũng ngày một nhiều. Tính đến cuối tháng 8, lao động tại hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm đã đạt mức 50 – 60% so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết đến đầu tháng 9, số lao động của Công ty đã tăng lên 2.000 người, nên lượng tôm mà Công ty mua vào cũng tăng lên đáng kể. Còn Công ty CP Thực phẩm Sao Ta trong tháng 9 đã chế biến được 2.499 tấn tôm, bằng 104,5% cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 21,7 triệu USD, bằng 121,2% cùng kỳ.
Có thể nói, dù chỉ mới ở trạng thái “bình thường mới” từ giữa tháng 9, thế nhưng sản lượng tôm chế biến cũng như kim ngạch xuất khẩu tôm hiện đã tăng so với tháng 8.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), thời gian qua, các cường quốc về tôm trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia… cũng bị dịch COVID-19 hoành hành. Chuỗi cung ứng tôm của các nước này cũng bị đứt gãy khiến nguồn cung tôm trên thị trường thế giới bị hụt. Trong bối cảnh như vậy, dù lượng tôm xuất khẩu có giảm thì Việt Nam cũng không ngại mất khách hàng hay thị trường vì các đối thủ cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu từ VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 8 giảm 31% so với tháng 7, riêng giá trị xuất khẩu tôm giảm tới 36%. Tuy nhiên, cơ hội cho con tôm Việt Nam tại các thị trường trên thế giới vẫn rất lớn.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga trong 7 tháng đầu năm nay đạt trên 27 triệu USD, tăng 87% so cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nga đang có xu hướng tăng trưởng rất tốt, cùng với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).
Còn với các thị trường lớn, ngoại trừ Trung Quốc có nhiều khó khăn do nước này kiểm soát nghiêm ngặt hàng hóa nhập khẩu để ngăn chặn COVID-19, thì các thị trường khác khá sáng. Đại diện VASEP cho biết, sau hơn một năm EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng khá. Thị trường Mỹ cũng có nhiều tín hiệu tích cực, khi nước này đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, phục vụ lễ hội cuối năm…
Có thể nói, hiện nay ngành tôm nước ta đang có nhiều thuận lợi từ thị trường. Thế nhưng, để tận dụng được điều này, các doanh nghiệp cần phải khắc phục được trở ngại về lao động và nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Theo ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), thì chỉ cần nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm hay bị gián đoạn do dịch COVID-19, Công ty hướng đến đạt doanh số xuất khẩu 62 – 70 triệu USD của năm 2021.
Còn đại diện một doanh nghiệp tại Sóc Trăng cho biết, nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến phụ thuộc hơn 70% vào sản lượng tôm nuôi tại địa phương nên việc giải tỏa áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu của các doanh nghiệp rất cần sự chung tay của người nuôi tôm tại tỉnh. Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng cũng cho rằng: “Theo dự báo nhu cầu tiêu dùng vào những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh do rơi vào các dịp lễ, tết nên bà con cứ yên tâm thả nuôi để cung ứng kịp thời nguồn tôm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến”.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, diện tích thả nuôi tôm vụ mới tại các địa phương trọng điểm vẫn chưa được như kỳ vọng. Đơn cử, toàn tỉnh Sóc Trăng mới thả nuôi trên 45.000 ha tôm nước lợ (đạt 80% kế hoạch), diện tích tôm đã thu hoạch trên 28.000 ha và vẫn còn gần 6.000 ha chưa thả giống.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhận định cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng, doanh nghiệp rất lo lắng không có nguyên liệu chế biến trả các đơn hàng. Nếu thả nuôi tôm gấp thì sẽ có nguyên liệu phục vụ cho thị trường châu Á cuối năm. Hiện, giá tôm đã gần bằng so với trước dịch COVID-19 nhưng nông dân vẫn lo ngại dịch bệnh, doanh nghiệp không thu mua nên việc thả nuôi vẫn không được như dự tính.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông – thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở khu vực Nam bộ do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 17/9, đại diện VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng hiện chỉ có 30 – 40% doanh nghiệp thủy sản có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Nguyên nhân được chỉ ra là do chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao gây áp lực lớn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Cùng đó, quá trình phục hồi của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi việc chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp mất đơn hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng; đặc biệt là lực lượng lao động khó huy động đầy đủ… Và theo lãnh đạo một đơn vị thì “Đây là vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp khi người lao động đã bỏ đi rồi, việc kêu gọi họ lại rất khó khăn và tốn kém”.
Hơn nữa, đáng lo ngại nhất là thiếu hụt nhân công kéo tôm. Bởi hiện nay lực lượng này không nằm trong danh sách ưu tiên được tiêm vaccine làm trở ngại cho việc thu mua trực tiếp cho nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cần được khẩn trương phục hồi kết nối trở lại, nhất là lưu thông vận tải, khôi phục và mở cửa trở lại hoạt động buôn bán hàng hóa một cách có tổ chức, khoa học và chặt chẽ.
>> Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 – 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng – 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 – 2 năm. |
Phan Thảo