NOAA công bố 7 quốc gia “trượt” chứng chỉ chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 31/8/2023, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) trình Quốc hội bản Báo cáo năm 2023 về Quản lý Nghề cá Quốc tế. Trong đó, 7 quốc gia đã bị “gọi tên” vì vi phạm quy định IUU.

Báo cáo được NOAA thực hiện 2 năm 1 lần và trình lên Quốc hội Mỹ theo Đạo luật Bảo vệ Tạm ngưng Khai thác Lưới vét tại Vùng biển chung. Các quốc gia không đạt chứng chỉ chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) được đề cập trong báo cáo sẽ bị Mỹ từ chối các đặc quyền tại cảng, không được phép đi vào thủy phận của Mỹ, và có khả năng bị cấm xuất khẩu một số loài cá hoặc sản phẩm thủy sản vào thị trường Mỹ. 

Hàn Quốc huy động 12 tàu, 4 trực thăng và các chỉ huy đuổi bắt tàu của Trung Quốc trên Hoàng Hải thuộc Busan sau khi cho rằng tàu Trung Quốc khai thác IUU. Nguồn: Newsweek. Ảnh: GettyImage

Trong báo cáo 2023, NOAA đã nêu tên 7 quốc gia và lãnh thổ vi phạm IUU, trong đó 2 quốc gia liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức và 2 quốc gia đánh bắt cá mập không kèm theo chương trình điều chỉnh. Đây là lần đầu tiên trong báo cáo của NOAA đề cập đến vấn đề đánh bắt cá mập. Cũng là lần đầu tiên tổ chức này đưa “lao động cưỡng bức” trong ngành thủy sản vào các quy định khai thác IUU.

Hải quân Mỹ kiểm tra tàu cá vi phạm khai thác IUU. Nguồn: US.Navy

Theo đó, Angola, Grenada, Mexico, Trung Quốc, Đài Loan, Gambia, và Vanuatu vi phạm khai thác IUU từ năm 2020 đến 2022. Ngoài ra, Trung Quốc và Đài Loan vi phạm quy định lao động cưỡng bức. Trung Quốc và Vanuatu vi phạm khai thác cá mập mà không có chương trình điều chỉnh thích hợp.

Sau khi báo cáo được thông qua, Nghề cá NOAA sẽ làm việc với các quốc gia và lãnh thổ trong 2 năm để giải quyết các vi phạm, kết quả thực hiện của 2 năm này sẽ quyết định việc họ có được cấp chứng chỉ hay không. Nếu các quốc gia hoặc lãnh thổ cung cấp bằng chứng đã có những hành động chấm dứt các vi phạm thì sẽ được cấp chứng chỉ. 

Nguồn: Iki.lk

Khai thác IUU là vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu, đe dọa hệ sinh thái đại dương và tính bền vững của nghề cá, tác động tới an ninh kinh tế và lương thực thế giới. Hành động khai thác IUU đã lan rộng khắp các vùng biển, một báo cáo của Ủy ban Thương mại Quốc tế cho biết năm 2019 Mỹ đã nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc khai thác IUU trị giá tổng cộng 2.4 tỷ USD.  

  • Angola, Grenada, Mexico, Trung Quốc, Đài Loan, Gambia, Vanuatu bị cho là vi phạm khai thác IUU vào năm 2020, 2021, 2022.
  • Vi phạm khai thác IUU của Trung Quốc và Đài Loan bao gồm việc sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất thực phẩm liên quan tới thủy sản.
  • Trung Quốc và Vanuatu đánh bắt cá mập mà không có chương trình điều chỉnh thích hợp.
  • Costa Rica, Guyana, Senegal và Đài Loan được cấp chứng nhận cho những hành động tích cực chống khai thác IUU sau khi bị đưa vào danh sách vi phạm năm 2021.
  • Mexico, Trung Quốc, Nga không hoàn thành nỗ lực chống khai thác IUU.
  • 14 trong số 29 quốc gia và lãnh thổ vi phạm IUU năm 2021 (do vô ý đánh bắt nguồn lợi thủy sản được bảo vệ) được cấp chứng nhận cho những hành động sửa chữa, gồm: Croatia, Ai Cập, EU, Grenada, Guyana, Nhật Bản, Mauritania, Morocco, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, đảo Saint Vincent và Grenadines, Nam Phi, và Đài Loan.
  • 14 quốc gia bị ghi nhận không có chương trình điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu tình trạng vô ý đánh bắt rùa biển ở tầng nổi: Algeria, Barbados, Cộng hòa Síp, Pháp, Hy Lạp, Italy, Malta, Namibia, Senegal, Tây Ban Nha, Trinidad và Tobago, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Mexico bị ghi nhận không có chương trình điều chỉnh nhằm giảm thiểu hoặc tình trạng vô ý đánh bắt loài rùa quản đồng quý hiếm ở bắc Thái Bình Dương.

An Vy

Theo NOAA

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!