(Thủy sản Việt Nam) – Sóng trên Biển Đông chưa “lặng” thì trong đất liền, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam lại nổi “sóng”, khi bị thương nhân Trung Quốc thu mua ồ ạt. Vấn đề này tuy không mới, nhưng trong giai đoạn hiện nay, nó lại thực sự “nóng”. Người cung cấp phấn khởi vì bán được giá cao, nhưng doanh nghiệp lại gặp khó và đối với ngành xuất khẩu, liệu có đảm bảo bền vững?
Tận thu…
Thời gian gần đây, các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam ồ ạt thu mua nông, thủy sản với số lượng lớn, giá cao và sẵn sàng vào tận nơi để thu mua. Họ “càn quét” từ Bắc chí Nam, cả những nơi xa như Bạc Liêu, Cà Mau, “vựa” tôm sú của ĐBSCL để thu mua nguyên liệu, làm cho tình hình thiếu tôm sú nguyên liệu của các nhà máy tôm đông lạnh trong vùng càng thêm trầm trọng. Tại miền Trung, nhiều nhà máy thủy sản cũng điêu đứng vì bị cạnh tranh mua tôm thẻ chân trắng, trong thời điểm mà các nhà máy này đang “đói” nguyên liệu.
Không chỉ vậy, 2 năm trở lại đây, thương nhân Trung Quốc sang các địa phương ven biển của Việt Nam như Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận mở xưởng sơ chế, chế biến cá cơm thu mua từ các chủ vựa, ghe tàu thay vì mua cá cơm thành phẩm về nước chế biến như trước đây. Việc này không những dẫn đến nguy cơ làm phá sản các chủ xưởng nhỏ, vốn ít mà dần dần, thị trường thu mua cá cơm có thể sẽ “thuộc” về thương nhân Trung Quốc. Các mặt hàng thủy sản khô khác của Việt Nam như cá chỉ vàng, mực khô hiện cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban thủy sản khô (thuộc VASEP), khó khăn lớn nhất hiện nay của xuất khẩu nhóm hàng thủy sản khô là không thu mua được đủ lượng hải sản để phục vụ xuất khẩu.
Khan hiếm nguồn hàng khiến giá nguyên liệu thủy sản bị đẩy lên cao Ảnh: Phan Thanh Cường
Còn ở ngoài biển, nhiều tàu Trung Quốc vừa tiếp cận với các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân để thu mua thủy sản tại vùng biển quốc tế, vừa vào tận cảng để thu mua khiến doanh nghiệp trong nước khó mua được thủy sản đánh bắt có chất lượng.
Tại Hội chợ Vietfish 2011 vừa qua, thương nhân Trung Quốc cũng không bỏ qua cơ hội đổ xô đến mua thủy hải sản, lấn át cả các nhà nhập khẩu truyền thống đến từ EU, Mỹ, Nga… Ông Tự Ba, Tổng giám đốc Công ty Liên Vận (Trung Quốc) cho biết, muốn tìm đối tác Việt Nam để nhập khẩu tôm sú, tôm thẻ chân trắng loại nguyên con và bóc vỏ. Và trước mắt, mỗi tuần Liên Vận sẽ nhập khẩu khoảng 40 tấn tôm đông lạnh kích cỡ 20 – 30 con/kg.
Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó
Hiện nay, đa phần nông dân thích bán nguyên liệu thủy sản cho thương nhân Trung Quốc, vì được giá và cỡ nào cũng bán được, lại không yêu cầu chặt chẽ như doanh nghiệp trong nước. Thậm chí thương nhân Trung Quốc tìm mua ngay tại ao và tự thuê xe chở đi. Điều này đang khiến không ít người dân Việt Nam vui mừng, vì đã phần nào tránh được thảm cảnh “được mùa, mất giá” vốn là nỗi ám ảnh của họ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước lại đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất, nhà máy hoạt động cầm chừng, công nhân không có việc làm. Tại Cà Mau, mỗi năm sản lượng tôm nuôi và đánh bắt khoảng 100.000 tấn, nhưng thương nhân Trung Quốc đã mua đến hàng chục ngàn tấn. Họ mua cả tôm lớn nguyên con lẫn tôm nhỏ. Nhưng trước thực trạng này, doanh nghiệp trong nước cũng đành bất lực đứng nhìn.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng qua, sức cạnh tranh thủy sản của Việt Nam có bước tiến về chất lượng. Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các doanh nghiệp thủy sản lại đang gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu khi nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Trong khi đó, lãi suất cao cũng khiến cho các cơ sở nuôi cá tra giảm. Đặc biệt vừa qua, việc Trung Quốc có các hành động cấm khai thác đã tác động lớn đến nguồn cung hải sản trong nước. Mặt khác, doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế về tín dụng, cạnh tranh về giá đã làm cho các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn khi thu mua hàng của bà con ngư dân và gần như chấp nhận “thua” trên sân nhà.
Các chuyên gia nói gì?
Đứng trước hiện trạng này, nhiều chuyên gia lo ngại, vì đa số đều cho rằng việc chạy theo nhu cầu bất thường của các thương nhân Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất trong nước. Mặt khác, có thể gây ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với một số sản phẩm. Bên cạnh đó, hầu hết thương nhân Trung Quốc chỉ thích con đường mua bán mậu biên. Bởi với cách này, họ không phải đóng thuế và ít chịu ràng buộc hợp đồng, nhưng khi rủi ro xảy ra thì bên bán chịu thiệt.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương, thương nhân Trung Quốc có thể đẩy giá bất cứ nông sản nào của ta lên cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, đã xảy ra việc, lúc nông dân dồn được hàng thì họ ép giá, hay lúc chính vụ, ta tập trung hàng lên biên giới thì họ lại bày ra kiểm dịch, thông quan… nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả. Bài học về dưa hấu, sắn lát, rau quả… vẫn còn. Đó còn chưa kể đến việc các sản phẩm này phải “núp bóng” các thương hiệu khác.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cảnh báo, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước, nay đem xuất khẩu sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, có thể đẩy giá lương thực, thực phẩm tại thị trường Việt Nam lên cao, khiến việc kiềm chế lạm phát khó khăn hơn.
Bên cạnh những lo ngại đó, các chuyên gia cũng khẳng định, đây là cơ hội để xem xét lại sự hợp tác giữa nhà cung cấp và chế biến, bảo đảm quyền lợi của người sản xuất. Và cũng là bài học về việc nhập khẩu nguyên liệu tận gốc, tránh qua khâu trung gian cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, không thể đổ lỗi cho người cung cấp, vì cho đến hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ quen với kiểu xuất nhập khẩu hàng tại cảng. Còn Trung Quốc, khi họ có nhu cầu, họ thu mua bằng mọi con đường. Mặt khác, cũng chính sự lỏng lẻo, không đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa nhà sản xuất và người cung cấp ở Việt Nam đã giúp họ dễ dàng đạt được mục đích của mình.
>> Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên:
Trong thời gian tới, nhiều mặt hàng nông sản có thể sẽ giảm giá, giờ nông dân chủ động hơn với nguồn hàng của mình, thu được lợi nhuận nhiều hơn. Muốn cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, bản thân doanh nghiệp trong nước phải thay đổi tư duy kinh doanh.
Thu Hồng