Nông dân chuyên nghiệp hóa: Những tỷ phú thời hiện đại

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Điều này đã hình thành lên cộng đồng những nông dân chuyên nghiệp hóa, những tỷ phú thời hiện đại. Họ đã không ngừng nỗ lực, mạnh dạn áp dụng thành tựu công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng cũng như mang lại thu nhập bền vững.

8 năm đồng hành cùng nuôi tôm công nghệ cao

Hôm chúng tôi đến, lứa TTCT cuối cùng trong năm 2022 của anh Huỳnh Văn Hiền (ấp Ca Lạc, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã được trên 45 ngày tuổi đang phát triển rất tốt, tôm đạt kích cỡ khoảng 130 – 150 con/kg; lứa tôm này sẽ kịp giúp anh có một cái Tết thêm phần vui vẻ. Anh Hiền cho biết, khoảng 5 – 7 ngày nữa, anh sẽ sang thưa ao này ra thành 2 ao (1.000 m2/ao) để giúp tôm nhanh lớn và nếu thuận lợi sẽ nuôi về kích cỡ lớn (20 – 25 con/kg). Khi chúng tôi viết bài này, anh cho hay đã san tôm xong, với kích cỡ trung bình 110 con/kg đúng như dự đoán.

Đợt này nhờ chuẩn bị nước tốt hơn, nên dù vẫn thả 500.000 post TTCT và sử dụng toàn bộ vật tư đầu vào, quy trình nuôi của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long, nên tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi vì thế cũng nhanh hơn. Anh Hiền chia sẻ: “Theo quy trình TLSS của Thăng Long thì sau khi ương 25 ngày, tôm đạt cỡ 1.300 con/kg, tôi tiến hành san qua ao nuôi diện tích 1.000 m2. Tại ao nuôi giai đoạn 2 này, tôi tiếp tục nuôi thêm 1 tháng nữa, để đưa tôm về cỡ 130 – 150 con/kg sẽ tiến hành san thưa thành 2 ao để thúc tôm lớn nhanh và nuôi về cỡ lớn dễ hơn. Đối với ao nuôi hiện tại mới 45 ngày, nhưng do tôm lớn nhanh, nên chắc khoảng 5 – 7 ngày nữa là tôi sẽ san ao để kịp thu hoạch trước Tết Nguyên đán”.

Anh Huỳnh Văn Hiền cùng nhân viên Thăng Long trong ngày thu tôm đạt sản lượng lớn. Ảnh: Xuân Trường

Gắn bó với sản phẩm và mô hình nuôi của Thăng Long hơn 8 năm nay, dù là nuôi ao đất hay ao lót bạt, anh Hiền đều có được thành công nhất định. Anh Hiền cho biết thêm: “Năm nay nuôi tôm cực kỳ khó, nhưng nhờ có mô hình TLSS cùng các sản phẩm chất lượng của Thăng Long, nên ở vụ nuôi đầu tiên, chỉ với 2 ao nuôi (1.000 m2/ao), tôi cũng thu được tổng cộng 8 tấn tôm cỡ 23 con/kg. Với giá bán bình quân 190.000 đồng/kg, tính ra lợi nhuận cũng được trên 702 triệu đồng. Vụ thứ 2 này nếu đến thu hoạch tôm vô cỡ hai mấy con, thì lợi nhuận cũng vài trăm triệu nữa chứ đâu có ít”.

Hơn 8 năm nay, anh Hiền đều sử dụng con giống, thức ăn, các chế phẩm, mô hình và kỹ thuật của Thăng Long cho cả ao đất lẫn ao nuôi lót bạt. Nhận xét về mô hình và sản phẩm của Thăng Long, anh Hiền cho biết: “Từ khi gắn bó với mô hình và sản phẩm của Thăng Long, tôi thấy tôm nuôi rất mau lớn, kể cả nuôi ao đất cũng vậy. Đặc biệt là mô hình TLSS, rất ít rủi ro, dễ quản lý, nên cũng nhàn hơn. Vụ nuôi tới đây, tôi sẽ mở rộng thêm 3 ao nuôi theo mô hình TLSS nữa, vì hiện tôi vẫn còn 6 ao, tổng cộng 18.000 m2 đang nuôi ao đất”.

Lời hàng chục tỷ đồng từ cá chẽm

Sau 3 năm liên tiếp sụt giảm, đến đầu năm 2022, giá cá chẽm và cá đù (còn gọi là cá hồng Mỹ) bắt đầu phục hồi trở lại, giúp người nuôi có lãi khá hơn. Anh Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp mở đầu câu chuyện nuôi cá bằng những thông tin hết sức phấn khởi: “Sau 3 năm liên tiếp (2019 – 2021) sụt giảm vì dư thừa sản lượng và dịch COVID-19, giá cá chẽm và cá đù đều giảm mạnh, nhiều người thua lỗ, ngưng nuôi. Đến đầu năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế, giá cá cũng bắt đầu phục hồi và tăng dần lên, người nuôi bắt đầu có lãi trở lại. Giá cá chẽm mua tại ao hiện tại hoảng 84.000 – 87.000 đồng/kg, còn cá đù sau những tháng đầu năm tăng mạnh lên đến 80.000 đồng/kg, hiện đã giảm xuống chỉ còn 65.000 đồng/kg”.

Anh Võ Điền Trung Dũng

Hiện anh Dũng có 2 trại nuôi cá chẽm và cá đù với tổng diện tích 40 ha, sản lượng cá chẽm năm nay ước khoảng 1.500 tấn, còn cá đù là 200 tấn. Ngoài ra, anh còn liên kết với hộ nuôi theo hình thức đầu tư con giống, thức ăn và thu mua lại cá thương phẩm khoảng 500 tấn và thu mua của những hộ nuôi ngoài liên kết thêm 500 tấn. Nguồn tiêu thụ chủ yếu là chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) và doanh nghiệp xuất khẩu; trong đó, Bình Điền khoảng 1.400 tấn, chiếm khoảng 55 – 60% tổng sản lượng.

Có thể thấy, với sản lượng như trên, năm nay anh Dũng lời ít gì cũng vài chục tỷ đồng, nhưng khi nghe tôi nói về mức lợi nhuận này, anh Dũng cười và xua tay, nói: “Anh tính đúng, nhưng chưa trúng, vì để tính hiệu quả trong nuôi thủy sản phải lấy chu kỳ ít nhất là 3 năm thì mới sát với thực tế. Và nếu tính theo chu kỳ này thì lợi nhuận bình quân trong 3 năm trở lại đây của tôi chỉ vào khoảng 7% mà thôi, do 2 năm trước ảnh hưởng dịch bệnh, giá cá giảm mạnh đâu có lợi nhuận. Đây cũng là một phần nguyên nhân vì sao việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nuôi thủy sản nói riêng lại rất ít được doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm”.

6 năm, 13 vụ thành công với con tôm

Gặp chúng tôi cùng các nhân viên kỹ thuật phụ trách địa bàn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, anh Nguyễn Quốc Thống (ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú I, Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) thông báo ngay tin vui là anh vừa thu hoạch dứt điểm vụ nuôi cuối cùng trong năm với sản lượng 6,7 tấn, doanh thu gần 1,25 tỷ đồng. Anh Thống chia sẻ: “Đợt này do muốn kéo tôm về cỡ 30 con/kg để bán giá cao, nên thời gian nuôi cũng kéo dài đến 130 ngày, chi phí vì vậy cũng tăng lên. Lợi nhuận tuy chỉ được 380 triệu đồng, nhưng như vậy cũng chấp nhận được, bởi vụ này rất khó nuôi do độ mặn chỉ còn có 3‰”.

Nói về vụ tôm năm nay, theo anh Thống là rất khó, vì ngay từ đầu vụ độ mặn đã xuống rất thấp, thêm thời tiết thất thường, nên dịch bệnh cũng nhiều hơn làm tôm chậm lớn. Không những vậy, mà giá vật tư đầu vào, chi phí nhân công… đều tăng mạnh, nên chi phí cho mỗi vụ nuôi cũng cao hơn. Nếu tính đúng, tính đủ, mỗi kg tôm thu hoạch năm nay tăng thêm khoảng 3.000 – 4.000 đồng so những năm trước. Anh Thống chia sẻ: “Thường mọi năm, nuôi tôm về cỡ 30 con/kg chỉ mất khoảng 100 – 105 ngày. Còn năm nay, người nào giỏi lắm cũng phải mất 120 ngày, nên tính ra ở vùng này, có rất ít người nuôi được tôm về cỡ 30 con/kg. Còn về lợi nhuận, bình quân mọi năm, cứ doanh thu 1 tỷ đồng, thì lợi nhuận cũng vào khoảng 400 – 500 triệu đồng, nhưng năm nay, doanh thu đến 1,25 tỷ đồng mà lợi nhuận chỉ có 380 tỷ đồng”.

Tuy là vụ nuôi khó khăn, nhưng với 6 năm kinh nghiệm nuôi tôm theo mô hình CPF-Combine của C.P, năm nay anh Thống đánh giá vẫn là vụ nuôi thành công, dù mức lợi nhuận không cao như mọi năm. Anh Thống cho biết thêm: “Tôi có tổng cộng 3 ao nuôi (bình quân 1.100 m2/ao), mỗi năm nuôi được 2 vụ, mỗi vụ thu 2 – 3 đợt. Riêng năm nay, tôi thu 4 đợt được tổng cộng trên 20 tấn tôm với kích cỡ lớn nhất là 30 con/kg. Dù lợi nhuận không nhiều như mọi năm, nhưng tính ra năm nay cũng có lời được khoảng hơn 1 tỷ đồng”.

Anh Thống bắt đầu nuôi tôm ao bạt theo mô hình CPF-Combine từ năm 2017. Anh là một trong số ít người tiên phong chuyển đổi từ mô hình ao đất sang ao bạt sớm nhất và cũng là người nuôi thành công nhất ở khu vực xã Hòa Tú I này. Tính đến nay anh có khoảng 12 vụ trúng tôm, đạt tỷ lệ thành công lên đến trên 90% và lợi nhuận bình quân mỗi năm từ 1 – 2 tỷ đồng.

Tỷ phú cá chình miền Tây

Sau thời gian thử nghiệm, ông Nguyễn Hữu Ánh, 65 tuổi, tại xã Tân Thành, TP Cà Mau, Cà Mau đã chuyển hơn 5 ha đất lúa năng suất thấp sang nuôi cá chình, thu lãi hơn tỷ đồng mỗi năm. Ông Ánh chia sẻ, năm 2019, ông  quyết định đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua hơn 5 ha đất năng suất thấp tại xã Tân Thành để đầu tư nuôi cá chình bài bản. Tại đây, ông thuê người đào 30 ao (mỗi ao rộng 800 m2). Hơn ba năm qua, trung bình mỗi năm, ông thu lãi 1,3 – 1,5 tỷ đồng từ việc nuôi loại cá đặc sản này. Theo ông Ánh, cá chình là loại cá nước ngọt cho lợi nhuận cao, so với trồng lúa hoặc rau màu thì chênh lệch gấp 5 lần. Đây là loài thủy sản dễ nuôi, rất ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cá rô phi. Tuy nhiên, con giống có giá cao, nuôi trong thời gian dài mới thu hoạch được. Vì vậy, quá trình nuôi loài cá này phải tỉ mỉ và theo dõi thường xuyên. “Bí quyết ở chỗ xử lý nguồn nước và đổi ao nuôi cá thường xuyên. Khi đào ao xong, phải lấy nước vào ngâm 15 – 20 ngày, rồi bơm ra, đưa nước mới vào. Sau đó, dùng vôi bột để xử lý nước. Mực nước phù hợp để nuôi cá chình khoảng 1,6 m. Nuôi trong 7 – 8 tháng tôi sẽ di chuyển số cá qua ao khác, làm như vậy hạn chế được mầm bệnh trên con cá”, ông Ánh chia sẻ. Ông quan niệm nuôi cá phải sạch, an toàn, tuyệt đối không dùng kháng sinh. Ông không thúc ép cá tăng trưởng bằng cách cho ăn quá nhiều lần, quá dồn dập, mà cho cá ăn cách ngày, theo giờ cố định.

Ông Nguyễn Hữu Ánh

TS Võ Thành Toàn, Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ cho biết, cá chình khả năng thích nghi cao, tức có thể sống ở nước mặn, lợ và thậm chí là nước ngọt. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao do thịt ngon và được ưa chuộng, loài cá này nuôi hiệu quả nhất là ở lồng bè, nơi có thể trao đổi nước thường xuyên. Hiện nguồn giống của loài cá này còn phụ thuộc vào tự nhiên. Để thuần hóa cá chình nước mặn thành ngọt, người nuôi mất thời gian giảm nồng độ muối để cá thích nghi, do đó việc chăm sóc phải kéo dài. Ở ĐBSCL, nông dân có thể nuôi cá chình trong ao chung với một số loại cá khác để tiết kiệm thức ăn.

Bí quyết thu hàng tỷ đồng từ nuôi cua đinh trong hồ

Trang trại nuôi cua đinh với diện tích hơn 1.000 m2 đã giúp anh Trần Minh Quan ở ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cua đinh khổng lồ.

Anh Trần Minh Quan

Trang trại của anh Quan rộng gần 1.000 m2, trong đó khu nuôi cua thịt và cua sinh sản có diện tích 600 m2, được thiết kế khá đặc biệt. Thay vì làm bể xi măng xây trên mặt đất, anh Quan đào hầm cho cua đinh ở, rồi xây từng hộc để ghép cặp cho cua đinh sinh sản (mỗi hộc 4 cái, 1 đực). Cách thiết kế trang trại khá giống ao nuôi cá, nhưng toàn bộ đều xây bằng bê tông kiên cố, để ngăn cua đinh đào hang chui đi.

Bình quân mỗi năm anh xuất bán trên 1 tấn cua đinh thịt cho các quán ăn và nhà hàng ở các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Cua đinh giống 1 tháng tuổi được anh Quan bán với giá 450.000 đồng/con, cua đinh thịt dao động 500.000 – 600.000 đồng/kg. Như vậy, với 40 bể nuôi con giống cua đinh và 3 ao nuôi cua đinh thịt. Mỗi năm, gia đình anh Quan bỏ túi gần 1 tỷ đồng từ việc bán con giống và cua đinh thịt.

Xuân Trường – Gia Bảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!