Trong tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 8/2020 và là tháng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 52,8 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 2,2%.
Như vậy, nông, lâm, thủy sản xuất siêu đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 8/2020 và là tháng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng qua; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 1,6 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD, thủy sản đạt 820 triệu USD và chăn nuôi đạt 34 triệu USD…
Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể nhóm nông sản chính đạt gần 13,7 tỷ USD, giảm 1,1%; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD, giảm 19,7%; thủy sản ước đạt trên 6 tỷ USD, giảm 3%; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 13,2%.
Từ đầu năm đến nay, dù còn nhiều các mặt hàng có xuất khẩu giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.
Chẳng hạn về gạo, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt trên 5 triệu tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ nhưng giá trị tăng 12%; hay rau đạt 515 triệu USD, tăng 7,6%; sắn đạt 110 triệu USD, tăng 89,9%; tôm thu về gần 2,75 tỷ USD, tăng 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,5 tỷ USD, tăng 12,4%…
Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.
Những mặt hàng giảm nhiều như hồ tiêu đạt 489 triệu USD, giảm 17,6%; quả khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 16,3%; cá tra đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 23,5%.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần.
Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần. Thị trường ASEAN ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 4,6% và chiếm 9,75% thị phần. EU đạt khoảng 2,83 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 9,4% thị phần. Nhật Bản đạt 2,51 tỷ USD, tương đương cùng kỳ và chiếm gần 8,4% thị phần.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, việc tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu sẽ tốt hơn nhưng sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu cả năm, mọi lĩnh vực sản xuất cần tập trung triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai; thúc đẩy sản xuất, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường.
Các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch COVID-19 trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm.
Cùng với đó là kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoại trừ các mặt hàng nhập khẩu như dầu mỡ động thực vật, lúa mì, ngô, đậu tương và chăn nuôi có giá trị tăng, các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, như phân bón giảm, thuốc trừ sâu giảm 22%, bông, hạt điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản.