(TSVN) – Sáng ngày 7/6/2024, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế” tại TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin cập nhật, nhận định chuyên sâu về những thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu thụ; xu thế phát triển, chuyển đổi của các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm; những khuyến nghị cụ thể để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nắm bắt và thích ứng tốt hơn với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia hội thảo có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với các nhà nhập khẩu, thu mua nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đưa các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối quy mô lớn của nước ngoài.
Để tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế; ảnh: Nam Việt
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, cùng đồng hành với những nỗ lực của các doanh nghiệp, trong những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các Bộ, ngành đã phê duyệt, triển khai nhiều chính sách, đề án quan trọng và cấp thiết để thúc đẩy sản xuất, chế biến, và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Những đề án này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Riêng Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển sản xuất cả nông, lâm và thủy sản. Sản lượng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng năm không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như năm 1990, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD, đến nay đã vượt mốc 53 tỷ USD/năm. Hiện, Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ nhất thế giới về hạt điều, hạt tiêu; thứ hai thế giới về cà phê và lớn thứ ba về gạo. Thủy sản Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc khi vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất để tham gia chuỗi cúng ứng tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển sản xuất, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông sản chiến lược và có thế mạnh của Việt Nam nhờ cam kết cắt giảm thuế quan.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố đã có sự phục hồi khởi sắc và tăng trưởng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản 4 tháng đầu năm 2024 của Hồ Chí Minh đã tăng trưởng rất tốt, đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 67% so cùng kỳ năm 2023, trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 285,5 triệu USD tăng 47,5%.
Nhưng theo ông Lữ, để doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm lúc này cần nhất là các chính sách hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ sản xuất, thực hiện chuyển đổi số cũng như chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh, tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Song song đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.
Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Cụ thể, tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; Những tác động tiêu cực của bệnh dịch, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; Thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Chính vì vậy, bà Thắng cho rằng, về phía cơ quan chức năng cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp kết hợp đảm bảo các yếu tố sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững. Trong khi đó, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng để kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, nhưng sản phẩm từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% trong số đó. Điều này cho thấy, dư địa để tăng thị phần cho nông sản Việt Nam tại đây là rất lớn. Tuy nhiên, EU là một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng và cập nhật thường xuyên các quy định nhập khẩu. Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, gia tăng khả năng đáp ứng các tiêu sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng bền vững. Việc quản lý chất lượng sản phẩm không chỉ nằm ở khâu sản xuất mà còn là vấn đề từ nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản… Do đó, muốn tránh các rủi ro về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được chuỗi cung ứng có liên kết, kiểm soát chặt chẽ.
Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đến nay không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp. Các khách hàng, nhà đầu tư càng ngày càng đề cao các yếu tố xã hội, môi trường trong đánh giá sản phẩm, dịch vụ khi lựa chọn đối tác đầu tư, thương mại. Do đó, muốn tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU hay quy định chống phá rừng để đảm bảo sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.
Hồng Hạnh
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi ngày càng có nhiều nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh, sạch của thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm chắc các cơ hội để đưa hàng hóa tham gia sâu vào các chuỗi phân phối cũng như hiện diện ở các kênh bán lẻ nước ngoài.