Nông sản Việt và câu chuyện chuỗi cung ứng toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo các chuyên gia, các sản phẩm nông nghiệp nên tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và từng bước hội nhập quốc tế. Để đạt được điều đó phải có mục tiêu rõ ràng và lột trình cụ thể. Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp phải cùng bắt tay với người nông dân, cũng như những hiệp hội của bà con nông dân.

Yêu cầu tất yếu

Trong những năm gần đây, Việt Nam, với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, ngày càng phát huy vai trò của mình đối với câu chuyện tiên phong đổi mới trong nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực và định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật quan trọng về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, trong đó có phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu “Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản”, và các chính sách đi cùng, đã thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất theo nhiều cấp độ, hình thành chuỗi cung ứng bền vững trong sản xuất nông lâm thủy sản.

Nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhưng chưa tới 10% được chế biến đạt chất lượng quốc tế. Ảnh: ST 

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm tạo giá trị sản phẩm bền vững vẫn nhiều thách thức, cần có trợ lực để tạo ra “cú hích” mới. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: nền kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh… Sản xuất còn theo kiểu tự phát, manh mún, theo phong trào, dẫn đến việc nhiều lúc không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Chất lượng cũng không đồng đều, khó kiểm soát an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, còn thiếu liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom đến chế biến, tiêu thụ. Thiếu liên kết, phân công lao động cũng như tổ chức sản xuất theo lợi thế vùng và địa phương dẫn đến chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.

Giải pháp nào

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, sự phát triển của nông nghiệp đang theo hướng nâng cao giá trị. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Bởi, thực tế cho thấy, việc hợp tác liên kết một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển trong dài hạn.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhận định, để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi. “Sự chia sẻ và kết nối hiệu quả sẽ góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho tất cả các thành viên trong chuỗi, giúp cân đối tốt hơn công tác thu mua, dự trữ và vận chuyển; hướng tới giảm thiểu những tác động về cung cầu trên thị trường; từng bước đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản xuất khẩu”, ông Thành lưu ý.

Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” do VCCI tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua; để khắc phục những bất hợp lý, tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững và gia tăng nguồn thu cho nông dân, một số phương hướng được đưa ra như sau: Cần phát triển nền nông nghiệp theo hướng tập trung. Áp dụng triệt để máy móc và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, để sản xuất trên quy mô lớn, cũng như phát huy thế mạnh của từng địa phương. Tất cả hướng đến đáp ứng 5 nhu cầu của thị trường hiện nay đó là: Giá cả, khả năng cung cấp thường xuyên – đúng thời hạn, cung cấp được số lượng lớn, có chất lượng tốt, đồng đều, bao bì đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị logistics toàn cầu cho rằng, để trở thành “bếp ăn của thế giới”, ngành nông nghiệp cần có dự án thực hiện số hóa toàn bộ chuỗi cung ứng từ trang trại đến kho vận, bán hàng. Cùng với đó, đào tạo kỹ năng số là hết sức quan trọng. Một số nội dung đào tạo về chuỗi cung ứng số có thể hướng đến như chương trình huấn luyện nhận thức chung về chuỗi cung ứng số và ứng dụng, chuyên môn kỹ thuật Digital Marketing và ứng dụng, kỹ thuật quản lý canh tác bằng ứng dụng số, chuyên môn dịch vụ logistics cho thương mại điện tử cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!