(Thủy sản Việt Nam) – Triệu Trạch được xem là xã có điều kiện về kinh tế – văn hoá – xã hội và môi trường vào loại bậc nhất của huyện Triệu Phong. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã chọn xã này làm một trong 8 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Triệu Trạch đang nỗ lực hết mình để phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt xã NTM.
Quy hoạch bài bản
Ông Trương Duy, Chủ tịch xã Triệu Trạch cho biết, từ chính quyền đến người dân xã Triệu Trạch đều rất vui khi biết quê hương được làm điểm để xây dựng NTM của tỉnh. Từ lâu, người dân ở Triệu Trạch có ý thức rất tốt trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Xã Triệu Trạch có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và đây cũng là vùng đất có nhiều ngôi làng được ví như “làng đại học” nổi tiếng. Bà con tuy làm nông nhưng nhà nào trong làng cũng gắng nuôi con ăn học đại học. Nhiều người gọi Triệu Trạch là vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Trong mỗi ngôi làng hay trong mỗi dòng họ đều có quy định rõ ràng để nuôi dưỡng, giáo dục con cháu sớm thành người có ích cho quê hương, đất nước.
Một góc làng Linh Yên của xã Triệu Trạch
Phải thừa nhận người dân ở đây đã sớm ý thức trong việc thiết kế, quy hoạch làng xóm của mình sao cho đẹp và khoa học. Trong việc định cư làm nhà, đa phần bà con chọn dựng nhà theo hướng Đông – Nam hoặc hướng Nam. Các trục đường liên thôn, xóm được mở rất rõ ràng. Tất cả các thôn của xã được định cư trên chiều dài hơn 8 km, dọc bên trục đường liên xã được rải nhựa bóng láng. Đầu mỗi ngôi làng đều được xây dựng một cổng chào hoành tráng, uy nghi.
Nhìn tổng thể, địa hình của xã Triệu Trạch được chia thành 4 vùng riêng biệt, ngoài cùng là đồng ruộng, tiếp là đường giao thông liên xã, đến khu dân cư và cuối cùng là đất hoa màu và rừng theo mô hình sinh thái, chắn cát với diện tích gần 1.700 ha rừng các loại. Với kiểu bố trí để phát triển như vậy rất dễ cho việc quy hoạch khi xây dựng NTM.
Thế mạnh kinh tế của Triệu Trạch là sản xuất nông – lâm nghiệp. Mỗi vụ có gần 500 ha lúa được gieo cấy, thêm diện tích trồng màu nữa gần 1.000 ha. Xã có 6.700 dân chia đều lương thực có hạt bình quân đầu người hơn 800 kg/người, tổng thu nhập theo đầu người tính bằng tiền đạt hơn 14 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, tại thôn Bồ Bản của xã hình thành khu thị tứ trung tâm khá sầm uất, có bến xe ô tô giao thương hàng ngày với các khu kinh tế. Ông Nguyễn Phiếu, Phó Chủ tịch xã Triệu Trạch, cho biết: “Cũng vì có nhiều thuận lợi về hạ tầng cứng và mềm nên xã mới được chọn làm mô hình xây dựng NTM. Song khi đánh giá lại thì mới đạt 6/19 tiêu chí, đó là tiêu chí văn hoá, bưu điện, y tế, tổ chức sản xuất, an ninh trật tự…”.
Đạt chuẩn NTM vào 2015
Theo ông Nguyễn Phiếu, ngoài các tiêu chí còn lại chưa đạt thì tiêu chí khó khăn nhất là phấn đấu nâng thu nhập đầu dân lên bằng 1,4 lần trung bình của tỉnh vào năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Phiếu, dù khó nhưng không phải là không thể phấn đấu. Trước hết, xã đã tiếp tục hoàn thiện bộ máy lãnh đạo công tác xây dựng NTM từ xã đến thôn để triển khai mạnh mẽ việc thực hiện các nội dung xây dựng các tiêu chí. Vận động bà con nhân dân phát huy nội lực, chủ động tu sửa chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, hiến đất làm đường…
Làng nào ở Triệu Trạch cũng có cổng chào hoành tráng
Để nâng mức thu nhập trên đầu người dân, xã chỉ đạo 5 HTX tiếp tục xây dựng và thực hiện phương án dồn điền đổi thửa, quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở đồng ruộng. Ông Lê Văn Cang, cán bộ kế hoạch nông – lâm – ngư của xã cho biết, chúng tôi đã xác định để phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân thì phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT để hình thành các cánh đồng mẫu lớn, áp dụng phương thức 3 giảm 3 tăng, tăng diện tích lúa có chất lượng cao, năng suất cao… tập trung thâm canh để tăng năng suất cho cây trồng, vật nuôi.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã giúp Triệu Trạch xây dựng thành công cánh đồng có giá trị kinh tế cao, toàn xã đã có trên 61 ha đạt thu nhập trên 60 triệu đồng/ha năm trở lên. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trên toàn xã đã tăng lên 470 ha, các mô hình trang trại được hình thành với một số loại con nuôi mới như dê, đà điểu bước đầu đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.
Bên cạnh đó, Triệu Trạch cũng chủ trương đẩy mạnh khu dịch vụ thương mại ở thị tứ Bồ Bản, nhằm tạo ra sức mạnh trong kinh doanh buôn bán, chuyển dần một bộ phận lao động nông thôn sang kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ. Thực tế cho thấy hướng đi này của xã Triệu Trạch rất khả thi. Chỉ mấy năm phát triển buôn bán mà Bồ Bản đã trở thành “đầu tàu” kinh tế dịch vụ của toàn vùng đồng bằng, ven biển huyện Triệu Phong, chứ không riêng địa bàn xã Triệu Trạch.
Sự phát triển của thị tứ Bồ Bản trên địa bàn của xã vừa giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, vừa tạo ra một môi trường kinh doanh năng động, tạo động lực kích thích các ngành nghề khác trên địa bàn phát triển. Đến nay, đã có trên 950 lao động tham gia thường xuyên buôn bán và trên 1.000 lao động tham gia trong thời vụ nông nhàn vào thương mại, dịch vụ với nguồn thu nhập đáng kể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo ông Trương Duy, Chủ tịch xã Triệu Trạch, khi kết thúc giai đoạn 2010-2015 của cuộc vận động xây dựng NTM, Triệu Trạch chắc chắn sẽ đạt được. Bởi lẽ, Triệu Trạch đã có những phương án để phát huy và khai thác lợi thế của mình trong việc xây dựng NTM rất khả thi.
>> Chỉ có sự cố gắng của người dân thôi chưa đủ. Không thể hô hào suông với người dân, vì từ lâu bà con cũng đã phấn đấu rất nhiều để xây dựng quê hương của mình ngày càng giàu đẹp. Triệu Trạch rất cần sự đầu tư giúp đỡ cụ thể từ các cấp chính quyền để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM của mình.
Lâm Quang Huy