NTTS huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu): Vỡ quy hoạch vì không được bố trí vốn

Chưa có đánh giá về bài viết

Măc dù đã được quy hoạch từ gần 10 năm nay, nhưng 4/5 dự án nuôi trồng thủy sản của huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn còn nằm trên giấy vì phải chờ vốn. Trong khi đó, do nhu cầu mưu sinh, người dân vẫn phải sản xuất một cách tự phát, manh mún, nhỏ lẻ.

Quy hoạch gần 10 năm, vẫn nằm chờ vốn

Đó là Dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp Bàu Sình A, xã Phước Thuận có diện tích 86,2ha, được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 8422/QĐ-UB ngày 29/10/2004. UBND huyện Xuyên Mộc đã thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư công trình với tổng vốn 314 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này chưa tiếp tục triển khai do điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Quyết định số 2288/2006/QĐ.UBT ngày 7/8/2006 của UBND tỉnh. Cũng với những lý do điều chỉnh kế hoạch vốn, 2 dự án khác, gồm: Dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp Bàu Sình B xã Phước Thuận; dự án hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất tôm giống xã Phước Thuận cũng dẫm chân tại chỗ; dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp xã Bình Châu…cũng đã “giẫm chân tại chỗ” gần chục năm nay.

Nhân công Trại nuôi tôm Minh Tuấn (Phước Thuận)  cho tôm ăn. 

Nhân công Trại nuôi tôm Minh Tuấn (Phước Thuận) cho tôm ăn.

Trong khi các dự án chưa được thực hiện theo lộ trình và quy hoạch, do nhu cầu mưu sinh, đa số các hộ dân có đất trong các khu quy hoạch dự án nuôi trồng thủy sản này đều tự phát xúc tiến việc nuôi trồng. Tại khu vực chuẩn bị triển khai Dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp Bàu Sình B xã Phước Thuận, hiện có 20 hộ dân tự phát nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bán công nghiệp và công nghiệp. Tại khu vực chuẩn bị triển khai Dự án hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất tôm giống xã Phước Thuận có 9 trại sản xuất tôm giống với 229 triệu post/năm. Tại khu vực chuẩn bị triển khai Dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp xã Bình Châu hiện có 50 hộ đang sản xuất tôm thương phẩm, chủ yếu bằng hình thức nuôi quảng canh cải tiến. Theo đánh giá của cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản của huyện, việc nuôi tự phát không theo quy hoạch tại các vùng chưa được đầu tư hạ tầng này đã và đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Cụ thể, tại các vùng này, không có hệ thống xử lý nước cấp cũng như hệ thống nước thải đúng cách dễ gây ra ô nhiễm nguồn nước. Sản xuất không tuân thủ lịch mùa vụ cũng dẫn đến khó kiểm soát và xử lý khi xảy ra dịch bệnh.

Được triển khai vẫn phải tiếp tục theo dõi, hỗ trợ

Trong số 5 dự án quy hoạch nuôi trồng thủy sản tại huyện Xuyên Mộc chỉ có duy nhất Dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp 47 ha ở xã Phước Thuận đã được triển khai thực hiện với tổng số vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật 7,758 tỷ đồng. Dự án này sau khi triển khai đã bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2006. Đến nay, có 16 hộ đang sản xuất theo đúng quy hoạch của dự án. Chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, phát triển tốt, cho năng suất bình quân 10-15 tấn/ha/vụ.

Tuy nhiên, cơn lũ kéo dài 5 ngày từ 14 đến 18-10-2010 đã gây thiệt hại nặng cho vùng nuôi này. Vào tháng 10-2011, UBND huyện Xuyên Mộc sau khi rà soát thực tế đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và triển khai xây dựng công trình nâng cấp sửa chữa đường nội vùng, nạo vét kênh mương khu vực nuôi tôm bán công nghiệp ở xã Phước Thuận để bà con tiếp tục sản xuất, nuôi trồng. Đến nay, vùng nuôi tôm bán công nghiệp này, mặc dù có nhiều thuận lợi về hệ thống kênh dẫn nước, xả thải nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu canh tác thực tế. Vào mùa mưa, nước nhiều nhưng thiếu độ mặn. Mùa nắng thì nguồn nước vừa hao hụt, không đủ nước ngọt để dùng cho việc nuôi trồng, vừa quá đậm độ mặn.

Ông Lê Anh Dũng, nhân viên quản lý Trại nuôi tôm Minh Tuấn, một doanh nghiệp có quy mô sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm tương đối lớn trong vùng nuôi tôm bán công nghiệp 47ha Phước Thuận cho hay, hiện tại có 7 ao nuôi tôm giống có diện tích 4.500m2/ao,nhưng do khu vực này thiếu nước thường xuyên nên đơn vị chỉ nuôi giống trong 3 ao, 4 ao còn lại dùng để chứa nước dự trữ. “Thay vì ươm con giống trong 7 ao, chúng tôi phải cắt giảm 4 để dự trữ nước. Như vậy, chắc chắn hiệu quả kinh tế tụt giảm hơn một nửa. Đó là chưa kể đến những vất vả về việc tổ chức, đầu tư nhân công, thời gian, thiết bị cho việc dẫn, trữ nước”, ông Dũng cho biết thêm.

Ở một số khu vực nuôi tôm khác cặp bờ Sông Ray, do việc đầu tư hạ tầng chưa được thực hiện nên người dân muốn nuôi tôm phải chủ động đắp đê ngăn lũ tràn về từ Sông Ray vào mùa nước dâng cao. Đồng thời tìm nguồn dẫn nước về để điều hòa độ mặn, giải tỏa tình hình cạn kiệt nước ao vào mùa nắng. Giải pháp “giải ngọt mùa nắng, tăng mặn mùa mưa” được các hộ dân vận dụng tích cực, nhưng do làm ăn manh mún, nhỏ lẻ nên giải pháp này vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả về lâu dài cho việc nuôi trồng thủy sản của đại đa số các hộ dân nuôi tôm tại địa phương này.

Ông Mai Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc: Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tế

Việc chậm bố trí vốn xây dựng triển khai các dự án nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch ở huyện Xuyên Mộc dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án đã được phê duyệt. Riêng trên diện tích đất quy hoạch của Dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm bán công nghiệp Bàu Sình A ở xã Phước Thuận hiện người dân vẫn đang sản xuất lúa 2 vụ đông xuân, hè thu. Nếu tiếp tục triển khai thì địa phương sẽ phải tổ chức họp dân để lấy ý kiến về tình hình thực tế sản xuất và nguyện vọng của bà con.

Do nguồn nước mặn, các dòng sông hiện hữu đang bị ô nhiễm bởi các nhà máy bột cá ở Lộc An (huyện Đất Đỏ) và tình hình nuôi tôm tự phát, việc điều tiết lũ ở hồ Sông Ray và hồ Sông Hỏa làm ảnh hưởng đến việc lấy nước mặn trong mùa vụ nuôi tôm, nên huyện cũng đề nghị UBND tỉnh sớm cho chủ trương triển khai kênh cấp nước mặn từ biển Hồ Tràm, và nước ngọt từ công trình hồ Sông Ray vào khu vực nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp ở xã Phước Thuận. Đối với các dự án lớn như dự án quy hoạch nuôi trồng thủy sản thì việc rà soát, nắm bắt tình hình để điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế là hết sức cần thiết. Có như vậy mới tiếp sức cho bà con làm ăn hiệu quả, đúng định hướng.

Bài, ảnh: Đỗ Hoàng

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!