(TSVN) – Hasamini Thilakarathne là một trong những nữ chuyên gia nuôi trồng thủy sản (NTTS) đầu tiên tại Sri Lanka. Cô đang quản lý trại giống của Oceanpick – công ty nuôi cá biển xa bờ duy nhất tại nước này.
Hasamini Thilakarathne có niềm đam mê với đại dương và khoa học từ nhỏ, lớn lên cô quyết định theo đuổi ngành NTTS để kết hợp sở thích với sự nghiệp. Trong một ngành công nghiệp chủ yếu do nam giới thống trị, Thilakarathne phải đối mặt với nhiều thiên kiến và rào cản về giới tính. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và chuyên môn của mình, cô đã vượt qua mọi thách thức, không chỉ chứng minh được khả năng cá nhân mà còn mở ra cơ hội cho thế hệ phụ nữ trẻ khác trong ngành.
Thilakarathne và cá chẽm tại ao nuôi của Oceanpick
Tốt nghiệp Đại học Đại dương Sri Lanka với bằng cử nhân khoa học về ngư nghiệp và khoa học biển, cô được nhận vị trí trợ lý quản lý chất lượng hải sản tại một công ty chế biến cá biển. Nhờ dự án Nor-Lanka hợp tác giữa Na Uy và Sri Lanka, Thilakarathne được tài trợ để theo đuổi bằng thạc sĩ về độc học cá tại Đại học Bắc Cực Na Uy, với luận án về chế biến cá ngừ ở Sri Lanka.
Sau khi học xong, Hasamini tập trung vào NTTS biển và được nhận vào vị trí chuyên gia tại Oceanpick, trang trại cá biển xa bờ đầu tiên ở Sri Lanka. Hiện Thilakarathne chịu trách nhiệm quản lý hoạt động trại giống và ương cá chẽm.
Nhiệm vụ hàng ngày của Hasamini bao gồm quản lý cá bố mẹ, nuôi ấu trùng, sản xuất thức ăn, quản lý trại giống và chuyển cá bột. Cô chịu trách nhiệm duy trì chất lượng nước tối ưu để đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng của cá, lập kế hoạch cho ăn và phân loại, kiểm tra tình trạng sức khỏe của cá.
“Sản xuất cá bột chất lượng cao là một thách thức, mọi thứ phải được thực hiện chính xác, bắt đầu từ việc thu thập trứng đúng thời điểm, đúng quy trình. Chúng tôi phải xử lý, quản lý dòng nước, và cung cấp thức ăn sống chất lượng cao để đạt được tỷ lệ sống sót cao”, Hasamini cho biết.
Tính đến thời điểm này, thành tựu đáng tự hào nhất của Thilakarathne là sản xuất được hơn một triệu con cá bột trong một cơ sở chỉ có sức chứa 300.000 con, nhờ sử dụng phương pháp trao đổi nước tỷ lệ thấp. Hơn nữa, cô và đồng nghiệp đã phát triển các kỹ thuật thông minh sử dụng công cụ sinh học để tạo miễn dịch cho cá bột chống lại các mầm bệnh. Những phương pháp này đã giúp tăng đáng kể tỷ lệ sống sót. “Chúng tôi cũng cho cá bố mẹ và cá bột ăn hoa xương rồng để giảm căng thẳng và thúc đẩy quá trình đẻ trứng”, Thilakarathne cho biết.
Lê Nguyên
(Theo Thefishsite)