(Thủy sản Việt Nam) – Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở Núi Thành phát triển mạnh về diện tích, sản lượng, qui mô, hình thức… Tuy nhiên, việc ồ ạt nuôi tôm đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái. Do đó, phát triển nghề nuôi nghêu thương phẩm không những mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình mà còn cải thiện môi trường, cân bằng sinh thái.v
Hiệu quả kinh tế cao
Đầu năm 2010, một số hộ nông dân ở huyện Núi Thành bắt đầu tiếp cận và triển khai mô hình nuôi nghêu thương phẩm với sự hỗ trợ tích cực của Phòng NN&PTNT huyện. Gia đình anh Dương Văn Bảo, thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, là một trong những người đầu tiên ở Núi Thành mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm chuyên canh sang nuôi nghêu. Dọc theo sông Trường Giang, gia đình anh Bảo cải tạo và dành riêng khu vực 4.000m2 mặt nước làm khu vực nuôi nghêu. Từ kỹ thuật do Phòng NN&PTNT hỗ trợ cùng với các tài liệu hướng dẫn, anh Bảo đã đầu tư hơn 30 triệu đồng mua 450kg nghêu giống về thả nuôi. Do điều kiện nuôi thả rất thuận lợi (hòa hợp với môi trường tự nhiên), thức ăn lại có sẵn như tảo, sinh vật phù du trong nguồn nước nên nghêu phát triển rất tốt. Qua 8 tháng thả nuôi, gia đình anh thu được 4 tấn nghêu, trừ các chi phí còn lãi gần 70 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Bảo đang chuẩn bị thu hoạch nghêu vụ thứ hai. Ước tính có khả năng đạt 5 tấn/8 sào, thu nhập có thể lên tới cả 100 triệu đồng! Anh Bảo cho biết: “Trước đây, tôi cũng đã nuôi tôm rất vất vả nhưng nhiều khi lỗ cả vốn. Khi chuyển sang nuôi nghêu thì khỏe hơn. Con nghêu ít dịch bệnh, lại không tốn tiền chi phí thức ăn, chỉ cần bảo vệ canh giữ thôi. Tính ra, nuôi nghêu lời hơn nuôi tôm và các loại thủy sản khác tại địa phương. Thu nhập mỗi tháng từ nuôi nghêu ít nhất cũng được 6-7 triệu đồng!”.
Tại huyện Núi Thành hiện có 24 hộ gia đình nuôi nghêu với trên 7,2 ha, tập trung tại các xã Tam Hải và Tam Hòa. Năm 2010, năng suất bình quân mỗi ha đạt hơn 3.472kg, tổng sản lượng đạt 25 tấn nghêu. Giá mỗi kg nghêu giống (khoảng 1.500 con/kg) là 70.000 đồng. Nghêu thương phẩm mua tại chỗ từ 35.000-40.0000 đồng. Trừ các chi phí, mỗi sào nuôi nghêu lãi hơn 6 triệu đồng.
Người dân Tam Hải (Núi Thành) kiểm tra nghêu nuôi
Và tránh ô nhiễm môi trường
Nuôi nghêu có hiệu quả kinh tế cao, thức ăn có sẵn tự nhiên, nên hạn chế thức ăn dư thừa, phân bón, các chất dinh dưỡng tồn tại ở dạng hợp chất vô cơ, hữu cơ, hòa tan hoặc lơ lửng trong nước… để lại hậu quả xấu cho môi trường và nghề nuôi trồng thủy hải sản. Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết: “Trước thực trạng nuôi tôm tự phát gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến tôm bị dịch bệnh, gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện chủ trương chuyển đổi các đối tượng khác vào thay thế con tôm. Trong đó, nuôi nghêu và trồng rong câu chỉ vàng là hai mô hình đạt hiệu quả cao, giải quyết việc làm tại chỗ, ổn định cuộc sống của người dân và cân bằng môi trường sinh thái”. Cũng theo ông Nguyễn Đình Sơn, ngành NN&PTNT huyện Núi Thành tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi nghêu thương phẩm, nuôi xen ghép rong câu chỉ vàng với các loài thủy hải sản khác. Bởi, phương thức này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa cân bằng môi trường sinh thái, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước trên địa bàn huyện Núi Thành.
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là vấn đề con giống. Thời gian qua, các hộ nuôi nghêu thương phẩm ở Núi Thành chỉ mua giống nghêu phát triển trong tự nhiên nên không chủ động trong việc thả nuôi, ảnh hưởng đến thời vụ; chất lượng giống không đồng đều nên chất lượng nghêu thương phẩm cũng bị ảnh hưởng, giá bán sẽ thấp hơn so với thị trường. Nếu có vùng quy hoạch trọng điểm, tránh tình trạng nuôi ồ ạt (như nuôi tôm) thì con nghêu sẽ phát triển bền vững, giải quyết công ăn việc làm và đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
THẠCH HÀ