(TSVN) – Làng nghề nước mắm Nam Ô (TP Đà Nẵng) được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, cần phát huy được bản sắc, các giá trị văn hóa, truyền thống, nhằm đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng.
Là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh mới đây, anh Bùi Thanh Phú (39 tuổi, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã bằng sự tâm huyết, sáng tạo để vực dậy làng nghề nước mắm Nam Ô đang có nguy cơ thất truyền trước quá trình đô thị hóa. Anh Phú chia sẻ, tuy là con dân làng nghề sản xuất nước mắm Nhĩ Nam Ô Hương Làng Cổ nhưng anh vẫn là “kẻ ngoại đạo” khi bắt tay vào kinh doanh.
Do đó, anh đã phải dày công tìm hiểu và nghiên cứu lại công thức làm mắm từ những bước cơ bản để cho ra giọt nước mắm hương vị thơm ngon, có màu nâu hổ phách đặc trưng. Đồng thời, không sử dụng chất bảo quản, không hương điều vị, không hương liệu. Được biết, đến nay, mỗi năm, anh Phú xuất bán gần 25.000 lít nước mắm, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ được chứng nhận OCOP 4 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP và là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố.
Mỗi năm làng nghề nước mắm Nam Ô cung cấp hàng nghìn lít nước mắm ra thị trường. Ảnh: Nam Ô
Để đưa sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng, kích cầu tiêu thụ nội địa; mới đây, UBND quận Liên Chiểu đã tổ chức Chương trình Quảng bá sản phẩm nước mắm Nam Ô, sản phẩm OCOP đến du khách. Bà Phạm Thị Hải Nguyệt, chủ Cơ sở nước mắm Nam Ô – Hiệp Hải cho biết, cơ sở của bà được Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng hướng dẫn đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu, chỉ dẫn người tiêu dùng đến cơ sở để tham quan làng nghề, trải nghiệm quy trình sản xuất và mua sản phẩm. Theo bà Nguyệt, khó khăn chung của người dân trong làng nghề là vấn đề đầu ra. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các hộ trong làng nghề phát triển.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô cho biết, để làng nghề phát triển bền vững, bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, cần phát huy được bản sắc, các giá trị văn hóa, truyền thống của ông cha ta thông qua việc tổ chức các chương trình trình diễn, hình thành các khu trưng bày dành cho du khách. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ, bố trí đất để mở rộng sản xuất cho làng nghề; thành lập đội tàu đánh bắt thủy sản để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho sản xuất của hội viên làng nghề.
Ngọc Hân