Nước mắt ngư phủ Hoàng Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trở về bến Sa Kỳ, lão ngư dân Đặng Tằm quay sang phía bờ Nam, nơi này, hàng trăm năm trước, trai tráng trong làng dong thuyền ra Lý Sơn để đi lính Hoàng Sa. Giờ lão là ngư dân Hoàng Sa thì liên tục bị bắt giữ.

Liên tục bị tàu Trung Quốc bắt giữ trái phép

Trong cái nắng đổ lửa, từ ngoài khơi, con tàu nhỏ chở 11 ngư dân chầm chậm tiến vào bờ. Tất cả các ngư dân đều tỏ vẻ mệt mỏi. Đó là tàu QNG 90281 TS của ông Đặng Tằm (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vừa bị tàu tuần tra Trung Quốc mang số 789 bắt giữ ở đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ngư dân tàu QNG 90281 trở về từ Hoàng Sa

Theo các ngư dân kể lại, sáng 24/2, các ngư dân đang chạy rà rà trên quần đảo Hoàng Sa thì bị một tàu tuần tra bám đuôi. Có ngư dân cuống quít vì thấy con tàu này cứ nhằm hướng mình lao tới, nhưng cũng có ngư dân bình tĩnh hô tài công cứ coi như không thấy gì, kéo ga đi thẳng một mạch.

Thấy ngư dân Việt Nam giả điếc, không đoái hoài gì đến con tàu tuần tra, bọn lính liền nổ súng bắn sượt trên nóc cabin. Ông Tự sẹo, ngư dân cầm lái dù chột dạ trong bụng, nhưng vẫn đóng mặt lạnh, cho thuyền chạy rà rà. Cho đến khi bên tàu tuần tra nã thẳng đạn lửa vào cabin, ông Tự sẹo mới chửi đổng “mẹ nó quyết tâm bắt mình lần nữa rồi. Bạn lái mình chuẩn bị tư thế coi thử nó làm gì”.

Khi chiếc thuyền đứng lại, tàu tuần tra dùng mũi xốc một phát vào thành tàu, khiến con tàu chao đảo, be gỗ vỡ tung. Mặc cho các ngư dân đang bám chặt vào thành tàu, mấy tên lính nhảy tót qua tàu ngư dân và bắt đầu công đoạn thu tất cả định vị, máy dò, xúc cá, chặt phá ngư lưới cụ.

Khi tàu tuần tra kè sát tàu cá, 6 tuần tra viên đồng loạt nhảy qua tàu. Nhanh như cắt, họ hốt chùm mũi tên trên tàu cá ném xuống biển thật nhanh vì sợ những mũi tên này trở thành vũ khí trong tay những ngư dân nghèo. Đây là mũi tên mà ngư dân sử dụng để bắn cá. 

Trước khi nhảy qua tàu, các tuần tra viên kéo vòi rồng chữa cháy ra boong tàu và xả vào ngư dân. Ngư dân phải cuộn mình, day lưng và bám vào nhau để chống chọi vòi rồng.

Các tuần tra viên kéo dây hơi ra sàn tàu và dùng dao băm nát, quăng xuống biển. Sau tàu còn gần 1.000 lít dầu cũng bị đổ xuống biển. Các tuần tra viên chỉ để lại một ít dầu đủ để cho tàu trở về quê.

 

Bị phạt đến phi lý

Khi thu hết đồ đạc, các tuần tra viên yêu cầu tàu ngư dân chạy theo về phía Phú Lâm. Nhưng đi được một quãng, họ đổi ý thả tàu ngư dân trở về. Đụng tàu tuần tra, ông Tằm bàng hoàng nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 1 năm. Tàu cá bị bắt lôi vào đảo và bị phạt tiền.

Biên bản Trung Quốc phạt tiền ngư dân Việt Nam

Ngày 4/5/2010, tàu cá của ông Đặng Tằm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị lính Trung Quốc bắt, đưa vào đảo nhốt. Họ yêu cầu liên hệ về nước để gửi 70.000 nhân dân tệ sang chuộc người. Phía Trung Quốc cho các ngư dân liên lạc qua số điện thoại 0086 13976018105 và 0086 13976688406 để lấy số tài khoản gửi tiền chuộc.

Ông Đặng Tằm kể lại: Anh em chúng tôi mới ra Hoàng Sa được sáu ngày, lặn chưa được nửa hầm cá thì bị Trung Quốc bắt, đưa vào đảo nhốt. Bọn lính cho phiên dịch tới mời hai thuyền trưởng lên nói chuyện, lập biên bản, đồng thời yêu cầu gửi 70.000 nhân dân tệ sang chuộc. Lần đầu tiên bị bắt, ông Tằm nộp tiền, còn lần này, ý thức được việc không nộp tiền cho Trung Quốc để góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa nên ông Tằm và các ngư dân động viên nhau, cố gắng giữ bình tĩnh.

Tương tự như trường hợp ông Tằm, đó là ông Lê Vinh, chủ một con tàu ở huyện đảo Lý Sơn. Gặp ông Vinh khi gia đình đang trong cảnh bể nợ vì 5 lần bị Trung Quốc bắt.

Ngư dân Lê Vinh sạt nghiệp vì bị phía Trung Quốc bắt giữ trái phép nhiều lần

Ngày 3/3/2012, tàu cá của ông và tàu Trần Hiền bị Trung Quốc bắt và giam giữ 21 ngư dân. Phía Trung Quốc tiếp tục đòi tiền phạt 70.000 nhân dân tệ/tàu. Có tiền thì Trung Quốc mới thả tàu và cho người về.

Ông Vinh thống kê, năm 2000, tàu cá của ông bị Trung Quốc bắt giữ lần đầu tiên và gia đình ông đã phải chạy vạy 70.000 nhân dân tệ nộp cho Trung Quốc. Tiếp đến năm 2004, Trung Quốc lại bắt tàu, và ông phải chạy vạy 50.000 nhân dân tệ nộp cho Trung Quốc. Năm 2005, tàu ông Vinh lại bị phạt 50.000 nhân dân tệ. Tưởng chừng tai họa bấy nhiêu là đủ, ai dè tiếp sang năm 2009, Trung Quốc lại bắt tàu và ông lại phải nộp 70.000 nhân dân tệ nữa.

Tối 22/4/2012, Trung Quốc đã thả 21 ngư dân Lý Sơn. Tàu ông Vinh thì bị tịch thu thay cho tiền phạt.

>> Nhìn ra biển với khuôn mặt gầy quắt vì nợ nần, ông Lê Vinh cho biết, gia đình ông vay mượn chủ nậu cộng với bốc nóng tiền của bà con ở xóm để đóng chiếc tàu trị giá 600 triệu đồng. Giờ Trung Quốc thu tàu thì không biết lấy gì mà trả.

Hà Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!