THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Nuôi ba ba ở xứ núi

Chưa có đánh giá về bài viết

Trên những miền quê của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nhiều mô hình làm ăn đã và đang phát huy hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi ba ba giống. Anh Huỳnh Văn Sen (ngụ ấp Rò Leng, xã Châu Lăng) là một trong số ít người thực hiện thành công mô hình nuôi ba ba giống tại vùng này.

Ban đầu, anh Sen sử dụng ao nuôi cá của gia đình thả khoảng 100 con ba ba, tận dụng thức ăn, cá vụn từ công việc đẩy xe bán rau cải, cá mắm của vợ. Sau một năm rưỡi chăm sóc, anh thu hoạch lứa đầu tiên, trừ chi phí, thu lợi trên 20 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh tính ngay đến chuyện mở rộng diện tích: Xây 3 bồn xi măng khoảng 50 m2 bên hông nhà, thuận tiện cho việc chăm sóc và cho sinh sản con giống để nuôi. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 1.000 con, gồm ba ba thương phẩm và ba ba giống cho sinh sản. Anh tuyển chọn ba ba thương phẩm, khi được giá thì xuất bán, mỗi đợt tiêu thụ từ 400 – 500 kg ba ba thịt, thu nhập ổn định.

Anh Sen cho biết: “Hiện, giá ba ba thịt loại I (khoảng 1,4 kg/con) từ 350.000 –  400.000 đồng/kg; dưới 1,4kg/con dao động từ 280.000 – 300.000 đồng/kg”. Cũng từ việc có kinh nghiệm chăn nuôi, anh Sen hướng dẫn: “Nuôi ba ba nên xây nhiều bồn một lượt, vì đến tuổi trưởng thành ba ba động dục, ba ba đực cắn ba ba cái. Vì vậy, phải có bồn tuyển ra con lớn, con nhỏ riêng để không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của ba ba”.

Toàn bộ bồn nuôi ba ba thương phẩm và ba ba giống đều có hệ thống dẫn nước và thoát nước. Dưới bồn phủ một lớp cát khoảng 2 tấc để khi di chuyển ba ba không cọ sát dưới nền, tránh trầy xước. Mực nước tốt nhất là độ sâu khoảng 1,2m, tạo những tấm vĩ để cho ba ba phơi nắng. Anh Sen nói: “Thực hiện đúng kỹ thuật thì ba ba vẫn dễ nuôi, chăm sóc không có gì phức tạp, chỉ cần thay nước điều độ, thức ăn đầy đủ là phát triển tốt”.

33-t3-1.jpg

Mô hình nuôi ba ba của anh Huỳnh Văn Sen.

Tuy vậy, trong quá trình nuôi, anh Sen gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là khâu ấp ba ba giống. Nhưng, nhờ chịu khó, vừa làm, vừa học hỏi, dần dần anh đã thành công. Anh xây một bãi trống nối liền với bể xi măng nuôi ba ba giống có lợp mái tôn phía trên, bên trong để một lớp cát dày, cho ba ba vào đẻ. “Hàng năm, khoảng từ tháng 4 – tháng 9 là mùa ba ba đẻ trứng. Để đạt tỉ lệ cao nên chọn ba ba bố mẹ đồng đều, khỏe mạnh, không bị trầy xước hay dị tật. Tỉ lệ đực và cái thường là 1/10, nếu thả nhiều ba ba đực thì trong lúc tranh giành mái, chúng sẽ cắn nhau gây nhiễm trùng, sinh bệnh và tốn nhiều thức ăn” – anh Sen đúc kết kinh nghiệm.

Sau khi ba ba đẻ trứng, phải dời trứng vào chỗ khác và lấp cát phủ kín để ấp. Theo anh Sen, ba ba thường đẻ trứng vào ban đêm, dùng chân bới cát tạo thành hố sâu để làm ổ đẻ. Mỗi lần ba ba đẻ từ 10 – 15 trứng, trứng được lấp cát ấp khoảng 70 – 75 ngày sẽ nở ba ba con. Sau từ 2,5 – 3 tháng nuôi, sẽ chuyển sang bồn nuôi ba ba thương phẩm. “Sau khi ba ba đẻ trứng phải lấy ra khỏi ổ, tránh tình trạng ba ba mẹ ăn trứng con khi đói” – anh Sen lưu ý. Theo kinh nghiệm của anh, ba ba hầu như ít xảy ra bệnh tật, nhưng muốn đảm bảo thành công, các bể nuôi, ao nuôi phải đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường thật tốt, thức ăn phải sạch, nhất là con giống phải sạch bệnh.

“Nhờ tận dụng tốt tiềm năng đất đai, cộng với tính cần cù và chịu khó, gia đình anh Huỳnh Văn Sen (ấp Rò Leng, xã Châu Lăng) nhờ nuôi ba ba đã có cuộc sống khấm khá hơn, cất được nhà cửa khang trang, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt”.

Mỹ Ái - Trọng Ân

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!