Nuôi biển công nghệ cao: Động lực phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhận định, bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển nằm trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam, đó là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Trong đó phát triển công nghệ nuôi biển đang ngày một được trú trọng, đưa lĩnh vực này thành ngành sản xuất hàng hóa lơn, mở ra hướng đi bền vững cho ngành thủy sản trong tương lai.

Trụ cột phát triển 

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của Việt Nam thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững, hiện đại.

Nghề nuôi biển có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên, gia tăng giá trị đại dương, đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành nuôi biển sẽ tạo ra không gian kinh tế mới, nguồn sinh kế mới và đa dạng sinh học. Ngành công nghiệp nuôi biển ngày càng giữ vai trò chủ đạo, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm. 

Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập, TP Cam Ranh, Khánh Hòa mở ra triển vọng phát triển mới cho nghề nuôi biển. Ảnh: Hải Lăng

Chia sẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương hiện nay đang chuyển dịch từ mô hình khai thác sang nuôi biển. Trong hoạt động đánh bắt cũng được thực hiện theo quy định, các ngư dân tuân thủ không đánh bắt trái phép để tạo điều kiện cho nguồn lợi thủy sản có thời gian phát triển. 

Nâng cao vai trò của công nghệ

Xác định nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng. Đây cũng là điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lớn ngành thủy sản chọn Quảng Ninh là “bến đỗ” để đầu tư. Theo đó, địa phương đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh cũng đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản. Đồng thời, phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm.

Là một trong những vùng giàu lợi thế về phát triển nghề nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh, năm 2024, thị xã Quảng Yên chính thức có 865 ha mặt biển nằm trong quy hoạch NTTS của tỉnh. Nắm bắt cơ hội này, địa phương đã tập trung lực lượng rà soát hiện trạng, đánh giá, phân tách các hộ NTTS đủ điều kiện được giao khu vực biển để tổ chức sản xuất ổn định. Quyết tâm của Quảng Yên là xử lý dứt điểm tình trạng NTTS tự phát trên biển, vốn đã tồn tại từ lâu, thay vào đó là hướng tới đảm bảo sinh kế cho người dân với những mô hình nuôi, công nghệ nuôi biển có khả năng khai thác hiệu quả quỹ mặt nước biển.

Hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030 tổng diện tích nuôi biển toàn tỉnh Ninh Thuận đạt 1.395 ha, thể tích lồng nuôi 200.000 m³, sản lượng đạt 5.000 tấn, xu hướng nuôi biển xa bờ vài năm trở lại đây được tỉnh quan tâm, chú trọng, thực hiện. Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt; các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, làm tốt công tác quy hoạch; qua đó, bước đầu thu hút được một số tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, mở ra triển vọng phát triển mới cho nghề nuôi biển. 

Tiêu biểu như mô hình nuôi mực nhảy của anh Nguyễn Bá Ngọc tại huyện Ninh Hải. Năm 2019, anh mạnh dạn đầu tư 2 lồng nuôi bằng công nghệ HDPE, với quy mô gần 3.000 m2 nuôi mực bố mẹ lấy trứng và nuôi thương phẩm ở vùng biển C3 thuộc xã Thanh Hải (Ninh Hải), trung bình mỗi lồng cho sản lượng đạt 7 tấn mực, đem lại thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/vụ. 

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát cũng đã đề xuất thực hiện dự án NTTS biển công nghệ cao tại khu vực biển C2, C3, C4 tại Ninh Thuận với quy mô diện tích 100 ha mặt nước biển, công suất thiết kế 400 lồng tròn nuôi cá và 4.000 ô lồng vuông trồng rong biển, với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng ngành chức năng huyện Ninh Hải tập trung hướng dẫn các thủ tục pháp lý cũng như tổ chức điều chỉnh lại vị trí, ranh giới, tọa độ khu vực biển phù hợp để dự án sớm triển khai.

Với đường bờ biển dài khoảng 385 km, Khánh Hòa có lợi thế phát triển bền vững các ngành kinh tế biển then chốt, trong đó phải kể ngành nuôi biển công nghệ cao. Năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phối với Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập, TP Cam Ranh. Sau 1 năm triển khai, mô hình thí điểm đã khẳng định hiệu quả cao, là cơ sở để tỉnh nhân rộng ra các vùng nuôi trong tỉnh; đây cũng là bước tiến quan trọng trên đường phát triển nuôi biển công nghệ cao hướng ra xa bờ của Khánh Hòa.

Để thực hiện mô hình này, Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup tài trợ cho 10 hộ dân nuôi biển trên địa bàn TP Cam Ranh tổng cộng 16 lồng tròn HDPE (thể tích 800 m³/lồng) nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24 m3/lồng, nuôi 2 tầng) nuôi tôm hùm. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử…

Đánh giá về hiệu quả của mô hình thí điểm này, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, sau 1 năm triển khai, năng suất, sản lượng, lợi nhuận mang lại cho các hộ tham gia mô hình cao hơn so với nuôi theo kiểu truyền thống. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận của hộ nuôi cá bớp tham gia mô hình đạt 172% so với hộ nuôi cùng quy mô bằng lồng bè gỗ truyền thống; của hộ nuôi tôm hùm đạt 112%. 

Được biết, tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đồng hành với tỉnh trong việc hỗ trợ, liên kết, đầu tư xây dựng các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại (nuôi bằng lồng nhựa HDPE), công nghệ thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi biển (phao, lưới, lồng nuôi… bằng vật liệu mới) để từng bước nhân rộng, lan tỏa mô hình này. 

Tại lễ tổng kết mô hình vào sáng 7/6 mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, tỉnh Khánh Hòa đã tiên phong và triển khai thành công thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở. Qua 1 năm triển khai, mô hình thí điểm này đã khẳng định hiệu quả cao, có thể nhân rộng ra 27 tỉnh, thành phố ven biển khác của cả nước. Trong quá trình nhân rộng tại Khánh Hòa, tỉnh cần thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nuôi ứng dụng nuôi biển công nghệ cao; xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng trong nuôi biển; thường xuyên quan trắc môi trường để đảm bảo thủy sản nuôi phát triển tốt, vừa gắn với bảo vệ môi trường nuôi…; để hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

Hải Lý

(Tổng hợp)

Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!