THỨ HAI, ngày 28/4/2025

Nuôi biển hướng tới phát triển bền vững và xuất khẩu tỷ đô

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nuôi trồng thủy sản trên biển đang dần trở thành một hướng đi chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam, góp phần tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển, giảm áp lực khai thác tự nhiên, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm trong tương lai.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, lĩnh vực nuôi biển tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực khi thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều công nghệ tiên tiến như hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín, công nghệ nuôi lồng HDPE, kiểm soát môi trường tự động… đã được ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, hướng đến phát triển bền vững.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa đã tiên phong đầu tư vào nuôi biển công nghiệp. Có thể kể đến Công ty TNHH Trấn Phú (Phú Quốc, Kiên Giang) với hệ thống 12 lồng nuôi, 4 lồng ương, xà lan và trại sản xuất cá giống; Công ty Maritec (Bà Rịa – Vũng Tàu), Công ty TNHH Thực phẩm Phúc Quang (Quảng Ninh), Công ty TNHH MTV Minh Quang (Lý Sơn, Quảng Ngãi)… Cùng với đó là sự phát triển của các trại sản xuất giống ứng dụng công nghệ RAS hiện đại như Eco Aquaculture (Khánh Hòa), HTX Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhằm chủ động nguồn giống cá biển chất lượng cao, phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm công nghiệp.

Trang trại nuôi biển công nghệ cao của Tập đoàn STP tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Thùy Khánh 

Đáng chú ý, nhiều đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao như cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá giò, cá bớp… đã được làm chủ công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Song song đó, ngành sản xuất thức ăn công nghiệp cho nuôi biển cũng có bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu của một số đối tượng chủ lực.

Năm 2024, diện tích nuôi biển cả nước đạt khoảng 58.000 ha nuôi nhuyễn thể và 9,7 triệu m³ lồng, tăng 2,1% so với năm trước. Sản lượng nuôi biển đạt 832.000 tấn, cho thấy tiềm năng mở rộng quy mô là rất lớn.

Ngoài các loài cá biển truyền thống, nhiều đối tượng nuôi mới cũng đang được quan tâm như: nhuyễn thể, rong biển, hải sâm, sá sùng, cá ngựa… Các mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển.

Một số mô hình tiêu biểu đã hình thành được chuỗi liên kết giá trị, từ nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ như:

  • Chuỗi nuôi – chế biến – xuất khẩu ngao của Công ty TNHH Lenger Việt Nam (Nam Định)
  • Chuỗi sản xuất hàu Thái Bình Dương của Công ty Bavabi (Vân Đồn, Quảng Ninh)
  • Dự án trồng rong sụn và chế biến tấm rong nori của Công ty Trí Tín (Khánh Hòa)
  • Dự án chiết xuất chế phẩm sinh học từ rong biển của Công ty CP Đại Dương (Khánh Hòa)
  • Mô hình kết hợp nuôi hàu – rong sụn và du lịch sinh thái của HTX Phất Cờ (Vân Đồn) do Tập đoàn Super Trường Phát đầu tư…

Rong sụn nuôi tại đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Thùy Khánh

Sự phát triển đa dạng này đã và đang tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người dân ven biển, đồng thời góp phần giảm áp lực lên nguồn lợi hải sản tự nhiên.

Cục Thủy sản và Kiểm ngư đánh giá, tuy đạt nhiều kết quả tích cực, ngành nuôi biển nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về thể chế, quy hoạch, hạ tầng và nguồn nhân lực. Thiếu các quy định pháp lý rõ ràng, quy hoạch nuôi biển chưa đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi biển còn thiếu và yếu. Ngoài ra, việc chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác sang nuôi trồng biển còn thiếu chính sách khuyến khích cụ thể và hấp dẫn.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là tư nhân, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho sản phẩm nuôi biển chưa ổn định, thiếu các kênh phân phối chuyên biệt và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…

Hướng tới bền vững và xuất khẩu tỷ đô 

Trước những yêu cầu mới, ngành thủy sản Việt Nam xác định nuôi biển là một trụ cột quan trọng trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, sản lượng nuôi biển cả nước đạt 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2,0 tỷ USD, hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc nuôi biển trong khu vực và thế giới. Mô hình phát triển nuôi biển sẽ theo hướng tích hợp đa giá trị, hài hòa với các ngành kinh tế khác như: giao thông, du lịch, năng lượng tái tạo (điện gió), xây dựng nông thôn mới…

Ngoài ra, các địa phương ven biển sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển nuôi biển phù hợp điều kiện tự nhiên, gắn với chuyển đổi sinh kế cho ngư dân khai thác, hình thành vùng nuôi tập trung, có hạ tầng đồng bộ và được quản lý bằng công nghệ số.

Phát triển nuôi biển bền vững không chỉ tạo ra sản lượng lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển thủy sản “Minh bạch – Trách nhiệm – Bền vững”. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp chiến lược nhằm hạn chế khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), từng bước gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EU.

Với định hướng đúng đắn, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân, nuôi biển hoàn toàn có thể trở thành lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản và phát triển kinh tế biển bền vững của Việt Nam trong tương lai gần.

Thùy Khánh

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến:

“Nuôi biển là xu thế tất yếu, chiến lược phát triển nhằm phát huy lợi thế của quốc gia. Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đối tượng nuôi phong phú, từ các loài cá cho đến rong, nhuyễn thể rất đa dạng, chất lượng; hơn nữa ngư dân của chúng ta có kinh nghiệm nuôi biển nhiều đời. Nếu chúng ta có chiến lược, giải pháp khơi thông tiềm lực nuôi biển, chắc chắn nước ta sẽ có một ngành hàng có giá trị kinh tế rất lớn. Nếu thành công tôi cho rằng nuôi biển nói riêng và thủy sản của Việt Nam không chỉ là câu chuyện vài triệu tấn hay chục tỷ đô la”. 

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân: 

“Nuôi biển kết hợp với du lịch nếu chúng ta làm tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, sinh kế của người dân ven biển, giảm áp lực lên khai thác thủy sản trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường biển, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững. Do đó, làm sao để vừa đẩy mạnh nuôi biển vừa khai thác, phát triển du lịch, như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm khai thác, tăng nuôi trồng để phát triển ngành thủy sản bền vững”.

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!