(TSVN) – Ngày 25/11/2023, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.
Khánh Hòa là địa phương nuôi tôm hùm nhiều nhất cả nước, số liệu năm 2022 đạt hơn 68.600 ô lồng, thu được 1.375 tấn. Năm 2023, Khánh Hòa ước thả 74.330 lồng với sản lượng khoảng hơn 1.500 tấn. Tuy nhiên, tỉnh này cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng.
Riêng về tôm hùm ở Việt Nam hầu hết được xuất khẩu tươi sống, thị trường chủ yếu là Trung Quốc chiếm từ 75 đến 90% và một phần được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Nghề nuôi tôm hùm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi đó vài năm trở lại đây Trung Quốc thị trường có sự biến động, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, kiểm soát chặt chẽ hơn. Gần đây, phía Trung Quốc yêu cầu các cơ sở bao gói tôm hùm bông nuôi, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải thực hiện đăng ký theo biểu mẫu đăng ký mới để tiến hành rà soát và tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi trước khi công nhận Danh sách các cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các rào cản này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu mặt hàng tôm hùm đi Trung Quốc. Cục Xuất nhập Cảnh Bộ Công Thương cho biết riêng thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, sau khi tăng trưởng dương ở quý III, tôm sang thị trường này lại tiếp tục xu hướng giảm. Đến tháng 9/2023, tôm Việt Nam sang thị trường này giảm 13% chỉ đạt 61 triệu USD. Lũy kế 9 tháng, thì xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 454 triệu USD, giảm 6%.
Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao. Ngoài ra, việc thiếu các quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại các vùng nuôi cũng là vấn đề nan giải vì ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề biển khác.
Tôm hùm có giá trị cao đang được các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận nuôi trồng
Để gỡ khó, ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, cho rằng ách tắc đang nằm ở vấn đề diện tích mặt nước, điểm xuất phát đầu tiên trong phát triển chuỗi. Giải pháp mà ông Bền đưa ra là phải xây dựng được các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, tạo tiền đề cho nuôi biển xa bờ, giải quyết được vấn đề môi trường, đầu tư ban đầu cho các hộ nuôi nhỏ lẻ. “Đây là giải pháp căn cơ. Các hộ có thể thuê toàn bộ khoa học kỷ thuật để nuôi biển. Để thực hiện được giải pháp này, cần xử lý được vấn đề gốc rễ là giao diện tích mặt nước.”, ông Lê Bền nhấn mạnh một lần nữa.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Trong kế hoạch, từ nay đến 2030, nước ta phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức (đã nhận diện được) thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết được.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường lớn, khó tính như Trung Quốc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức đầy đủ, thực hiện theo các quy hoạch quốc gia, ngành, tỉnh. Trong đó, các cơ quan quản lý địa phương, tổ chức đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, tiên phong đi đầu. Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và nuôi biển.
Quang Đức