T2, 01/04/2024 07:54

“Nuôi biển về mặt nào đó chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gửi thông điệp đến “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh”. Đây là một trong rất nhiều thông điệp ý nghĩa đã được các nhà lãnh đạo, quản lý, tổ chức quốc tế cùng chia sẻ và lan tỏa tại Hội nghị diễn ra sáng 1/4 tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh. Sự kiện do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Hội nghị đón nhận sự tham gia của khoảng 300 – 350 đại biểu trong nước và quốc tế, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi biển; ngoài ra còn có sự hiện diện của đông đảo chuyên gia, viện nghiên cứu, đại sứ, tham tán, các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia có công nghệ nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Hoa Kỳ, Úc, Na Uy, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…; các tổ chức quốc tế quan tâm nuôi biển của Việt Nam,…

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Quảng Ninh

Quảng Ninh – Điểm sáng trong nuôi biển

“Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh” cũng góp phần nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh trong thời gian tới.

Hội nghị diễn ra sáng 1/4 tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng Sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu quốc tế như McKinsey và Nikken Sekkei.

Với đường bờ biển dài 250 km, trên 40.000 ha bãi triều, gần 19.000 ha rừng ngập mặn, 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100 km2, 03 khu bảo tồn biển, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Tỉnh đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển giành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng “nuôi biển là giải pháp cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên và phát triển bền vững”.

Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm, lấy nhà nông chuyên nghiệp làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, hướng tới đa giá trị, tận dụng tối đa thị trường khách du lịch tại Quảng Ninh,… 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu khai mạc Hội nghị

Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh” sẽ là cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới, mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững. Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định. 

“Nuôi biển bài bản, bền vững”

Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh những thuận lợi, phát triển nuôi biển tại nước ta hiện cũng đang gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những vấn đề về cơ chế chính sách; khoa học công nghệ; liên kết sản xuất; nguồn lực đầu tư và vấn đề cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ niềm tin vào mục tiêu hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển với hệ sinh thái đa dạng. Bộ trưởng dẫn chứng, chỉ trong vòng 2 năm, Quảng Ninh đã tiên phong loại bỏ gần 10 triệu phao xốp, có được kết quả đó là nhờ vào sự quyết tâm của chính quyền cùng với sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Từ những thành công của Quảng Ninh sẽ gợi mở cho các địa phương tiến tới nuôi biển, tạo ra nhiều giá trị sinh kế từ biển và xa hơn nữa là nuôi dưỡng con người vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau. 

Các đại biểu tham gia tọa đàm phát huy thế mạnh nuôi biển

“Chúng ta đã phải trả giá cho ngành khai thác, nuôi trồng tự phát với những lợi ích ngắn hạn nhưng phá hủy môi trường dài hạn. Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh nuôi biển với sự tích hợp ứng dụng khoa học công nghệ, tích hợp đa ngành đa giá trị, gắn với sứ mệnh trách nhiệm của địa phương. Sau sự kiện ở Quảng Ninh, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp khó khăn vướng mắc đang làm chậm mục tiêu phát triển nuôi biển, nhanh chóng kiến nghị với Chính phủ.” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ninh, các Hiệp hội, tổ chức quốc tế phân tích, chia sẻ tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển. “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh” được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp thời gian tới. 

Thùy Khánh

>> Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD. Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!