Nuôi cá chốt nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong vài năm trở lại đây khi nguồn cá thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thì người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển việc nuôi cá rô đồng, cá lóc, cá chạch đồng… Và cá chốt là một trong những loại cá ngoài tự nhiên đã được người dân tại huyện Thạnh Trị lựa chọn canh tác, đem về lợi nhuận tốt sau thu hoạch.

Cá chốt là loài thủy sản được nhiều người dân thích sử dụng làm thức ăn hàng ngày, bởi thịt cá thơm ngon, chế biến đa dạng các món ăn dân dã, mặc dù nguồn cá giống khan hiếm nhưng các cơ sở sản xuất giống cũng đã sản xuất thành công cá chốt giống, để cung ứng thị trường phục vụ người nuôi cá.

Lần thứ hai trở lại thăm mô hình nuôi cá chốt tại hộ chị Đặng thị Tiên, ấp Kiết Hòa, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị đúng lúc, gia đình chị đang tất bật thu hoạch đàn cá chốt dưới ao nuôi đã qua 5 tháng tuổi. Mọi người khá vất vả kéo lưới thu hoạch và công đoạn gỡ cá ra khỏi lưới gặp nhiều khó khăn, bởi cá có nhiều ngạnh nhỏ mắc vào lưới kéo. Sau đó, từng con cá được kéo lên khỏi mặt nước trắng tinh, béo tròn, đẹp mắt, nhìn mẻ cá thu hoạch “đạt chuẩn” bao mệt nhọc của người nuôi rất phấn khởi, bao mệt nhọc đều tan biến.

Dùng chiếc rổ nhựa để đựng từng con cá chốt, sau khi gỡ chúng ra khỏi lưới kéo cá, chị Đặng Thị Tiên, bộc bạch: “Tôi mới nuôi cá chốt trong vụ đầu tiên, trước giờ gia đình chỉ nuôi TTCT. Tuy nhiên, khi được Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Trị hỗ trợ mô hình nuôi cá chốt, tôi rất phấn khởi triển khai ngay, nhằm đa dạng hóa loài thủy sản nuôi. Theo đó, tại hộ của gia đình tôi được hỗ trợ 20.000 con cá chốt giống và hỗ trợ 50% thức ăn cho cá, cùng đó ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình cá sinh trưởng và đến khi cá thu hoạch. 20.000 con cá chốt được thả nuôi trong ao với diện tích 2.000 m2, sử dụng nguồn nước nuôi TTCT và trong ao nuôi cá cũng có gắn quạt, nhằm cung cấp ôxy cho cá vào mỗi lúc sáng sớm, để giúp cá phát triển tốt, mỗi ngày mở quạt tầm 60 phút (từ 5h – 6h sáng)”.

“Bên cạnh đó, trong suốt quá trình nuôi cá chốt không gặp dịch bệnh, sử dụng thức ăn công nghiệp. Qua 5 tháng nuôi, cá cho thu hoạch, với trọng lượng khoảng 40 – 45 con/kg, giá bán 90.000 đồng, thấp hơn gần 40% so cùng kỳ thời điểm năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu như không ảnh hưởng dịch thì thị trường tiêu thụ của cá chốt rất tốt, lợi nhuận chắc chắn trên 40 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí. Dự định, trong mùa vụ tới tôi tiếp tục cải tạo ao nuôi cá chốt, vì đây là loài cá nhẹ công chăm sóc, nuôi dễ, người tiêu dùng ưa chuộng”, chị Tiên cho biết thêm.

Cá chốt hay còn gọi với tên khác là cá ngạnh, có tên khoa học là Naked catfishes. Đây là dạng cá da trơn nước ngọt, thuộc họ nhà cá lăng. Cá chốt có nhiều loại khác nhau như cá chốt giấy, cá chốt sọc, cá chốt đen, vàng hay cá chốt trắng… Cá có dài tầm 14 – 30 cm, râu màu đen có 4 đôi, thịt không tanh. Tại Việt Nam thì cá chốt được nuôi rất nhiều ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Trước đây, cá chốt chủ yếu được nuôi và phục vụ cho người vùng quê, vừa ăn vừa dùng để làm mắm cá. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây cá chốt lại trở thành món đặc sản quý hiếm được nhiều người săn lùng bởi chúng là cá nước ngọt sống tự nhiên, thịt thơm ngon, ngọt, lành tính và rất tốt cho sức khỏe. Nhiều quán ăn nhà hàng lớn đã chế biến thành nhiều món cá chốt hấp dẫn như cá chốt nấu lá me hay cá chốt kho tiêu… Hơn nữa hiện nay cá chốt ngoài thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nên giá của cá chốt luôn cao hơn các loài cá khác. Đó cũng là lý do mà nuôi cá chốt đang trở thành mô hình khá phát triển tại một số địa phương.

Cách ao nuôi cá chốt của chị Tiên vài bước chân là ao nuôi cá chốt của chị Nguyễn Hồng Dân cũng được Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Trị hỗ trợ thực hiện mô hình. Theo chị Hồng Dân, trước đây ao nuôi cá chốt của gia đình dùng để nuôi TTCT nhưng việc nuôi tôm khá bấp bênh, lợi nhuận không cao. Chính vì vậy, khi được ngành chuyên môn hỗ trợ cá chốt thả nuôi chị Dân nhận ngay với số lượng cá chốt giống là 20.000 con, thả vào ao nuôi diện tích 2.500 m2. Qua hơn 5 tháng thả nuôi, cá cho thu hoạch, có sản lượng 400 kg, giá bán 85.000 – 90.000 đồng/kg, trừ chi phí mô hình của chị Dân cho thu lợi nhuận tầm 15 triệu đồng.

Ông Trần Trang Nhã, Phó Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Trị cho biết: “Nuôi cá chốt là mô hình nuôi cá được đơn vị triển khai lần đầu tiên cho hộ nuôi tại xã Lâm Kiết, qua thực tiễn sản xuất cho thấy, cá chốt rất thích hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng đất nên cá phát triển rất tốt, tỷ lệ cá hao hụt sau thu hoạch không đáng kể nhưng hiệu quả về kinh tế chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch COVID-19, thương lái thu mua cá hạn chế, cá tiêu thụ nội địa, kéo giá cá giảm xuống ở mức 85.000 – 90.000 đồng/kg, còn cùng kỳ thời điểm năm trước giá cá chốt 120.000 – 150.000 đồng/kg. Do đó, lợi nhuận mỗi mô hình thu về tầm 15 triệu đồng/hộ. Tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi thủy sản mới, để triển khai đến hộ dân, đặc biệt là lựa chọn loài thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên tại từng địa phương, cùng đó tìm đầu ra ổn định cho loài thủy sản nuôi trong tình hình mới”.

 

>> Trong tháng 6/2021, bằng nguồn vốn khuyến nông thường xuyên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện 2 mô hình nuôi cá chốt nghệ sử dụng thức ăn nhân tạo tại xã Anh Thạnh Nhất và xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung. Diện tích mỗi mô hình là 1.000 m2 và thả 40.000 con cá chốt giống, người nuôi được Nhà nước hỗ trợ theo hình thức 50 - 50, về giống và thức ăn. Giá cá chốt nghệ thương phẩm hiện nay từ 80.000 - 120.000 đồng/kg tùy cỡ. Thông thường, cá đạt cỡ lớn từ 20 - 25 con/kg sẽ bán được giá cao hơn.

Thúy Liễu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!