Nuôi cá da trơn và cá tra trong RAS tại Nigeria

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Patec Foods Limited công ty sản xuất cá da trơn và cá tra đang vận hành một trang trại nuôi cá tích hợp trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) ở Nigeria; với khả năng sản xuất lên đến 2.500 tấn cá da trơn châu Phi (Clarias gariepinus) mỗi năm và cũng tiên phong trong việc sản xuất thương mại cá tra.

Hệ thống nuôi RAS

Ông Abdulmalik Oladipupo, Giám sát viên cấp cao NTTS tại Patec Foods Limited cho biết, mặc dù trang trại chưa đạt công suất tối đa, nhưng trại giống và cơ sở ương giống cá da trơn châu Phi mới có thể sản xuất tới 5 triệu con cá da trơn châu Phi mỗi năm. Một phần trong quá trình tích hợp sản xuất của Công ty là các cơ sở chế biến cá và kho lạnh. Patec Foods Limited hiện đang tiến hành hun khói cá da trơn châu Phi và xây dựng các cơ sở chế biến lạnh như lọc cá, đóng gói và bảo quản chân không, và sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2023.

Trang trại vận hành hệ thống RAS bằng cách sử dụng các bể sản xuất đóng mở trong nhà. Sản xuất có bốn giai đoạn: ấp, ương, nuôi thương phẩm và thu hoạch. Công ty này đang vận hành RAS riêng biệt cho sản xuất ương và nuôi thương phẩm, với công suất lọc khác nhau bù cho khối lượng chất thải khác nhau. Các thành phần RAS bao gồm bộ lọc trống, bộ lọc cát và bộ lọc protein để lọc cơ học; khử trùng bằng tia cực tím, kết hợp với bộ lọc sinh học và nón ôxy. Một bộ lọc nhỏ giọt và đệm chìm chứa vật liệu được tích hợp để phục vụ quá trình lọc sinh học và tăng hiệu quả. Do hiệu quả lọc này, mật độ nuôi của trang trại lên đến 200 kg/m3. Mỗi bể nuôi thương phẩm có thể tích 150 m3.

Trang trại RAS hiệu quả cho phép Patec Foods Limited thả lên đến 200 kg cá da trơn/m3. Ảnh: TFS

Kỳ vọng trong tương lai

Ông Abdulmalik Oladipupo cho biết: “RAS của chúng tôi là tiên tiến nhất. Vì chúng tôi đang vận hành các hệ thống này sử dụng điện 24/7, chúng tôi phụ thuộc chủ yếu vào máy phát điện chạy bằng nhiên liệu. Điều này làm tăng lượng khí thải carbon, vì vậy tôi đang kỳ vọng và mong muốn trang trại chuyển sang sử dụng điện năng lượng mặt trời”.

Ông cũng chia sẻ thêm, người nuôi phải áp dụng tính bền vững trong tất cả các cấp độ sản xuất. Các trang trại phải được thúc đẩy bởi tính bền vững và minh bạch và thận trọng với nguồn nước. Người nông dân cần hiểu rằng mọi quyết định họ đưa ra đều có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia.

Ông mong muốn sự tham gia của công nghệ và các quy định để kiểm soát những người còn “lang thang” trong ngành. Nigeria đang tăng thêm sản lượng hàng năm, nước này đang thiếu hàng triệu tấn cá để đáp ứng nhu cầu trong nước. Để sản xuất nhiều hơn, các trang trại phải tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Hầu hết mọi người đều có định kiến ​​về người nuôi cá là hơi lạc hậu. Điều này là do hầu hết những người nuôi cá ở Nigeria không chuyên nghiệp và sử dụng ít hoặc không sử dụng công nghệ. Những người nuôi cá quy mô nhỏ sản xuất 80% sản lượng NTTS của Nigeria và phần lớn sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống. Ông Abdulmalik Oladipupo cho biết, với việc áp dụng công nghệ như RAS và aquaponics trong sản xuất thực phẩm và đào tạo chuyên môn liên quan, ngành NTTS có thể dẫn đầu sự phát triển của ngành nông nghiệp kiểu mới ở Nigeria.

Minh Sương

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!