Nuôi cá heo nước ngọt lãi lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân ĐBSCL bắt đầu nuôi cá heo nước ngọt lồng bè chưa nhiều năm nhưng đã thấy rất thành công, hiệu quả kinh tế cao.

Lãi gấp 10 lần cá lóc

Cá heo nước ngọt là loài cá da trơn, mình hơi xanh bóng, đuôi màu đỏ cam, đầu có 2 ngạnh nhọn, thường xuất hiện vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch) ở ĐBSCL. Cá lớn đạt trọng lượng tối đa 100 – 150 gram/con. Loại cá này thịt thơm ngon nên đã được nhiều quán ăn ở An Giang, TP Hồ Chí Minh chế biến thành những món ngon độc đáo: cá heo kho tộ, cá heo nướng…

Người đầu tiên ở ĐBSCL nuôi cá heo nước ngọt thành công là Bùi Chí Linh (ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang). Năm 2010, ông Linh mua cá giống của người dân đánh bắt từ tự nhiên về thả nuôi; thấy hiệu quả, ông quyết định thả nuôi hết 10 lồng bè của mình.

Ảnh: Lê Hoàng

Theo ông Linh, cá heo dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, nhưng muốn đạt năng suất cao thì người nuôi phải nắm vững kỹ thuật. Lồng bè phải đặt ở những nơi có dòng chảy mạnh, nước sạch và thường xuyên làm vệ sinh, tuyệt đối không để bè bị ô nhiễm dễ làm cá bị bệnh. Về mật độ thả nuôi, bè nuôi từ 3 x 4m, tốt nhất nên thả 150kg giống cho một bè. Nếu nuôi chật cá sẽ chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao. Thức ăn chính của cá heo là cám trộn cá sống (cá biển hoặc cá đồng) xay nhuyễn. Nếu có bỗng rượu trộn thêm 30%, cá sẽ tăng trọng nhanh hơn. Một ngày tốt nhất cho ăn 2 lần, vào buổi sáng sớm và buổi chiều lúc mặt trời lặn.

Ông Linh cho biết, sau 10 tháng nuôi, trọng lượng cá thương phẩm tại lồng của gia đình ông đạt 30 con/kg; giá bán ra hiện nay tại bè 300.000 đồng/kg. Nếu cá được thu hoạch vào tháng mùa nghịch, giá có thể lên 400.000 –  450.000 đồng/kg. Bình quân mỗi bè, sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống…, ông Linh thu lãi 70 – 90 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang, cá heo có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cá nước ngọt khác, gấp 10 lần so với cá lóc hiện nay.

 

Chủ động con giống

Những năm gần đây, do khai thác quá mức nên nguồn cá heo giống tự nhiên cho các bè nuôi cá ở ĐBSCL giảm sút, trong khi nhu cầu vẫn tăng cao.

Nhằm tạo nguồn giống chủ động cung cấp cho người nuôi cá ĐBSCL, năm 2010, Sở Khoa học – Công nghệ An Giang cùng Trung tâm Giống thủy sản An Giang và Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) đã nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo cá heo nước ngọt. Hiện, cá heo sau khi nuôi đạt kích cỡ thương phẩm 15 con/kg. Cá có thể nuôi với thức ăn viên thời gian từ 8 tháng đến 1 năm đạt 20 – 25 con/kg.

Bà Trinh cho biết: Từ việc có con giống chủ động, sắp tới tỉnh An Giang hướng đến nuôi cá heo thương phẩm từ bè sang ao theo mô hình nuôi bằng thức ăn công nghiệp, tránh làm ô nhiễm môi trường, đồng thời tránh khai thác nguồn cá giống tự nhiên và hướng tới xuất khẩu. Trung tâm sẽ cung cấp cá heo giống nhân tạo, đáp ứng nhu cầu của người nuôi; năm 2015 sẽ phát triển rộng ra toàn ĐBSCL.

>> Cá heo nước ngọt (Botia modesta Bleeker) là một trong 8 loài cá nước ngọt thuộc giống Botia phân bố khá phổ biến trong các lưu vực của vùng hạ nguồn sông MêKông như: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (vùng ĐBSCL).

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!