Lội bộ vượt gần 10 km đường rừng với cả chục con dốc luôn dựng đứng trước mặt, phải mất gần hai giờ đồng hồ tứa mồ hôi chúng tôi mới đến được trang trại nuôi cá của anh Lê Xuân Hùng (thuộc địa bàn xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Ðác Lắc). Gọi là trang trại, nhưng hóa ra nơi đây cũng chỉ là một bãi đất tương đối bằng phẳng được bao bọc giữa sự bao la hùng vĩ của dãy Yang Hanh có độ cao hơn 1.000 m so mặt nước biển.
Giữa bãi đất trống ấy là 18 hồ nuôi cá. Dưới hồ, anh Hùng cùng bốn kỹ sư trẻ phong phanh trong áo lá quần đùi vệ sinh lòng hồ cho cá. Bắt tay chúng tôi giữa cái lạnh cắt da trên đỉnh núi ngày cuối đông, anh Hùng cười bảo: "Nhìn đơn sơ vậy chứ đã phải đầu tư vào đây hơn hai tỷ đồng rồi". Trong căn lều tuềnh toàng hoang lạnh giữa rừng, chúng tôi được nghe anh kể về hành trình đưa loài cá hồi, cá tầm được mệnh danh là "cá quý tộc" về nuôi trên đỉnh Yang Hanh…
Mùa khô năm 2008, trong một lần lội rừng tìm mây, anh bị lạc giữa dãy Yang Hanh. Ðói khát đến lả người, anh lần theo sườn núi tìm đến được dòng suối Ea Krông Tun. Dòng nước suối trong vắt, mát lạnh giữa rừng đã giúp anh hồi tỉnh. Nhìn đàn cá nai tung tăng lượn lờ dưới suối, bất chợt anh nhớ lại mô hình nuôi cá nước lạnh – cá hồi – một lần được tận mắt thấy ở ngoài miền bắc. Trong đầu anh chợt lóe lên ý nghĩ: "Người ta nuôi cá hồi được, tại sao ta không thử?". Về đến Buôn Ma Thuột, anh lập tức vùi đầu vào máy tính, tra cứu trên mạng in-tơ-nét tìm hiểu các mô hình nuôi cá hồi ở Việt Nam, điều kiện thủy sinh của giống cá này… Sau đó anh lại lội rừng tìm lên con suối Ea Krông Tun quan sát dòng chảy, đo đếm nhiệt độ nước… Chưa yên tâm, anh lại lọ mọ sang Kon Tum, rồi đến Lâm Ðồng để xem các mô hình nuôi cá nước lạnh. Từ thực tế khảo sát, anh nhận thấy điều kiện nuôi cá hồi ở Ðác Lắc tốt hơn nhiều so các địa phương khác và quyết định đầu tư nuôi cá. Nhưng lấy tiền đâu ra, khi mà mới chỉ ý tưởng thôi cũng đã bị gia đình, bè bạn can ngăn và cho rằng anh điên rồ? Anh kể: Phải mất đến mấy tháng trời vận động, thuyết minh vợ mình mới "chịu". Bạn bè thân thiết thấy mình quyết tâm nên cũng xiêu lòng góp vốn đầu tư với tâm trạng "vừa liều vừa lo"…
Chạy xin chủ trương, xin thuê đất xong, đầu tháng 3-2009, trang trại nuôi cá của anh bắt đầu được thi công. Ðến tháng 6-2009 anh đã hoàn thành được bốn hồ và bắt đầu thả cá. Với diện tích mỗi hồ khoảng 300 m2, anh thả 3.000 con giống. Kết quả hơn cả mong đợi: cá sinh trưởng tốt và tỷ lệ chết rất thấp. Chỉ bảy tháng sau, mẻ cá thử nghiệm đầu tiên trên bốn hồ của anh đã được "hạ sơn" về tiêu thụ tại thị trường Buôn Ma Thuột và TP Hồ Chí Minh với khối lượng hơn 10 tấn cá. Thử nghiệm thành công, bước sang năm 2010, anh mạnh dạn đầu tư nuôi hẳn 12 hồ và đã thu về được gần 50 tấn cá hồi đặc sản… Từ đó, thương hiệu cá hồi Yang Hanh của anh bay đi khắp nơi, từ các nhà hàng đến siêu thị ở Ðác Lắc, TP Hồ Chí Minh…
"Thành công nhưng lỗ nặng chú ơi!". Giọng anh Hùng hơi chùng xuống, rồi đều đều, nhẹ bâng: "Mỗi con cá hồi giống mua tại Viện nghiên cứu Thủy sản 3 (Lạc Dương, Lâm Ðồng) có giá khoảng 12.000 đồng. Thức ăn cho cá phải nhập từ nước ngoài về với giá 57.000 đồng/kg, cộng với tiền thuê nhân công, kỹ sư chăm sóc… Nhưng nếu chỉ từng đó thôi thì Hùng này giàu to rồi! Ðằng này do đường sá cách trở quá nên tạm thời phải chịu lỗ để… chờ thời". Anh cho biết, để đưa được cá giống với thức ăn của chúng lên đến nơi phải thuê nhân công địa phương vác từ dưới chân núi lên. Ðến ngày thu hoạch lại phải vác từng con xuống núi mới chở đi tiêu thụ được. Thực ra, năm nào anh cũng bỏ ra số tiền mấy chục triệu đồng để thuê xe làm lại đường lên núi. Nhưng con đường này xe cũng chỉ đi được vào mùa khô. Mỗi khi mưa xuống, nước lại bào mòn còn trơ lại đá, ô-tô, xe máy chỉ biết chào thua. Số tiền đầu tư này nếu cộng lại từ năm 2009 đến nay thì đã bay đứt của anh chiếc xe ô-tô đời mới. Ðó là chưa tính đến công sức, mồ hôi của anh đã đổ ra ở đây hơn ba năm nay…
Khó khăn, gian khổ và… lỗ nặng như vậy nhưng anh vẫn quyết tâm đeo đuổi cái nghiệp nuôi cá mình đã chọn. Do đường sá quá khó khăn nên vào thời điểm này anh chỉ cho nuôi cầm chừng hai hồ cá hồi với khoảng 6.000 con giống. Còn lại anh dốc hết vào việc đầu tư nuôi thử nghiệm giống cá tầm. Tham vọng của anh là sẽ nuôi và cho cá tầm đẻ trứng. Hiện anh đang có hơn 100 con cá tầm giống đã đạt được trọng lượng từ ba đến bốn kg. Ước mơ của anh với đàn cá tầm này là trước hết phải cho chúng… đẻ được trứng. Anh cho biết, hiện tại để có được giống cá hồi cũng như cá tầm, nước ta phải nhập trứng cá giống từ nước ngoài về rồi mới ấp cho nở. Bởi vậy nên giá thành của cá mới đội lên cao. Chỉ riêng trứng cá tầm giống, một kg nhập về đã có giá vài trăm triệu đồng. Nếu ấp suôn sẻ thì giá cá giống cũng lên tới 70 nghìn đồng một con. Nâng niu con cá tầm giống trên tay, anh Hùng nheo mắt cười đầy tham vọng: "Nếu như cho cá tầm đẻ được ở Việt Nam thì đây quả là một công trình khoa học mang tầm cỡ thế giới.
Trong câu chuyện của anh Hùng, chúng tôi nghe phảng phất đâu đó lòng tự ái của một con người thừa quyết tâm và giàu khát vọng. Năm 2009, vừa nuôi cá thử nghiệm, anh vừa nghiên cứu đề tài khoa học về nuôi cá hồi, có người cho rằng: "Ở Ðác Lắc không thể nuôi cá hồi được", nhưng đến nay con cá hồi của anh đã được công nhận và tiêu thụ mạnh trong các nhà hàng, siêu thị.
Nguyễn Cường
Theo Báo Nhân Dân