Nuôi cá lồng điêu đứng vì nắng nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Do tác động của hiện tượng El Nino, thời tiết ít mưa, các đợt nắng nóng xuất hiện khốc liệt và kéo dài làm cho mực nước ở sông, hồ trên địa bàn nhiều tỉnh, thành xuống thấp, gây ảnh hưởng lớn đến hộ nuôi cá lồng.

Điện Biên

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến mực nước lòng hồ thủy điện sông Đà trên địa bàn huyện Tủa Chùa giảm sâu, tiệm cận mực nước chết, thậm chí một số điểm cạn trơ đáy. Nước cạn cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cá nuôi trong lồng, bè của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Huổi Só bị chết. Phần lớn số lượng cá bị chết đang trong kỳ tăng trưởng và cá thương phẩm chuẩn bị xuất bán, gây tổn thất lớn cho nhiều hộ gia đình.

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Tủa Chùa, từ đầu tháng 5/2023 đến nay, tại khu vực nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, của một hộ dân tại xã Huổi Só bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá nuôi trong lồng bè chết rải rác, trung bình 10 – 15 con/ngày, không rõ nguyên nhân. Tình trạng kéo dài khiến người dân bất an, lo lắng dịch bệnh có thể gây nên tình trạng cá chết hàng loạt; nên đã báo cáo tình trạng với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của huyện để tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.

Cá lăng đuôi đỏ được người dân nuôi tại các lồng trên sông Đà, thuộc địa phận xã Huổi Só, Tủa Chùa bị chết; Ảnh: Phòng NN&PTNT Tủa Chùa

Qua kiểm tra thực tế tình hình nuôi cá lồng của các hộ dân tại huyện Tủa Chùa, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay, khiến lượng nước trong hồ cạn sâu, nước đục và làm môi trường nước thay đổi đột ngột, gây ra thiếu ôxy cục bộ. Hàm lượng ôxy hòa tan trong nước = 3 mg/l, lượng NH3, NH4 <1 ml/l, các chỉ số này đều vượt ngưỡng cho phép đối với nuôi cá lồng bè nước ngọt. Mặt khác, khu vực lòng hồ nuôi cá lồng là eo ngách hẹp, mực nước thấp, thực vật phù du nhiều, đa phần là tảo tàn. Khi hạn hán kéo dài khiến nước cạn, tảo chết hàng loạt đã làm tăng tích tụ tạp chất hữu cơ dưới đáy hồ, làm bẩn môi trường sống của cá cũng là nguyên nhân khiến cá chết dần.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi cá lồng, bè trong giai đoạn chuyển mùa, huyện Tủa Chùa đề nghị các xã có nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ sông Đà tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày, nhất là vào sáng sớm, chiều tối để có biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi để đảm bảo lưu tốc dòng nước chảy; theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, chú trọng xử lý triệt để lượng thức ăn dư thừa nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Sử dụng vôi bột cho vào túi và treo vào các góc của lồng cá để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi, di chuyển lồng bè nuôi đến những vị trí có dòng chảy, hoặc dẫn các nguồn nước từ khe suối chảy vào lồng bè; thường xuyên bổ sung Vitamin C trong thức ăn cho cá đối với trường hợp cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp. Cần chú ý khoảng thời gian từ 2 –   5 giờ sáng, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thường thấp, đặc biệt là những nơi không có nước chảy, vì vậy cần tăng hàm lượng ôxy bằng cách sử dụng máy sục khí ôxy cho các lồng, bè.

Tuyên Quang

Từ đầu tháng 5 mực nước trên sông Lô đoạn chảy qua TP Tuyên Quang xuống thấp theo từng ngày, đỉnh điểm cạn nhất lúc 13h ngày 18/5 đã xuống thấp kỷ lục với mức 11,43 m. Đây là mức nước thấp chưa từng có trong nhiều năm qua. Theo nhận định của người nuôi, năm nay mùa cạn đến sớm hơn so với dự tính khoảng 1 tháng và mực nước giảm tới mức kỷ lục nhất từ trước đến nay. Anh Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Thủy sản Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa) cho biết, hiện HTX có 26 thành viên với số lượng 62 lồng nuôi, để giảm thiệt hại cho các hộ nuôi, trước mắt, HTX đã liên hệ, tìm kiếm các thương lái để xuất bán các loại cá đã đạt tiêu chuẩn về kích thước và trọng lượng. Đối với các loại cá kích thước nhỏ, cá mới xuống giống HTX huy động nguồn nhân lực để tháo dỡ những lồng đã cạn, đẩy hệ thống dàn lồng ra vị trí nước sâu hơn và di chuyển một số loại cá có sức đề kháng cao, phù hợp với môi trường sống trong các ao, hồ chứa để san thưa mật độ cá trong lồng.

Trước tình hình này, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Tuyên Quang khuyến cáo bà con nuôi cá lồng trên sông, hồ thực hiện các biện pháp như di chuyển các lồng nuôi ra vị trí nước sâu hơn, thường xuyên theo dõi lượng nước để quyết định thời gian di chuyển lồng tránh thiệt hại. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi cá đầu tư đưa những giống cá lớn vào nuôi để rút ngắn thời gian nuôi, khi sự cố bất thường xảy ra có thể thu hoạch, xuất bán được luôn… Ngoài ra, khuyến cáo các hộ nuôi tăng cường ứng dụng nuôi thâm canh cá giống trong ao và nuôi cá sông trong ao để chủ động việc cung ứng giống ra nuôi lồng; khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thủy điện Tuyên Quang xả lũ, nước sông cạn kiệt có thể di chuyển cá từ sông vào nuôi trong ao…

Phú Thọ

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Thủy đến nay có khoảng số 335 lồng nuôi cá trên sông Đà. Tại cụm nuôi xã Xuân Lộc có khoảng 150 lồng nguy cơ bị mắc cạn. Hiện các hộ dân đang nỗ lực hết mình để khắc phục hậu quả với hy vọng thu lại ít vốn liếng nhằm trang trải cho cuộc sống. Toàn xã Xuân Lộc có hơn chục hộ nuôi cá lồng với hơn 200 lồng nuôi, chủ yếu các loại cá như: lăng, điêu hồng, trắm, chép… Do tình trạng khô hạn kéo dài, việc phát triển nuôi cá lồng bè của người dân địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Theo các hộ dân ở khu vực này, trong những năm gần đây sông Đà chuyển đổi dòng chảy, hình thành các bãi cát bồi cục bộ tại đoạn qua khu vực nuôi cá lồng. 

Sông Đà những ngày nắng nóng gần đây. Ảnh: ST

Trong hai tuần qua, ngày nào người dân cũng phải hút cát ra, bơm ôxy vào để cứu sống những con cá còn lại. Nếu tình trạng cạn kéo dài, rất có thể việc nuôi cá lồng lâm vào cảnh không thể cứu vãn. Cùng đó, các hộ nuôi cá phải thường xuyên vớt những con bị chết hoặc đang ngáp để loại bỏ, tránh gây bệnh cho cá khác. Đối với những con cá yếu sẽ được vớt lên, phân loại, bỏ nội tạng và đóng ngăn đá, bán cho người có nhu cầu. Cá chết thì đóng bao, đưa đi tiêu hủy tránh ô nhiễm nguồn nước.

Vân Anh

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!