Vào những năm 1990 – 1991, ở Hải Phòng, Nam Định lác đác có một số gia đình nuôi cua biển. Lúc đó, chưa ai viết tài liệu hướng dẫn. Bà con hoàn toàn tự mày mò và học tập lẫn nhau.
Năm 1993, chúng tôi cùng kỹ sư Phạm Ngọc Đẳng đã viết và cho in cuốn “Kỹ thuật nuôi cua biển”. Đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam hướng dẫn cách nuôi cua biển.
Đến nay nhiều nông dân đã làm chủ được công nghệ sản xuất cua biển giống.
Phong trào nuôi cua lan rộng ra khắp cả nước. Rất tiếc, lúc đó chưa đơn vị nào thành công trong việc tạo giống cua biển. Nhân dân hoàn toàn phải khai thác con giống trong tự nhiên.
Nhưng tới nay, chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất cua biển giống. Vì vậy, nghề nuôi cua biển có đà phát triển mạnh.
Từ xưa tới nay, cua biển luôn luôn là loài thuỷ đặc sản hấp dẫn. Thịt cua ngon, bổ, dễ tiêu và chế biến được thành rất nhiều món ăn như: Cua luộc, cua rang muối, chả cua, nem cua, cua đúc trứng, súp cua… Người ta còn dùng bột cua để cho vào bánh phồng tôm, bột ngọt, mì ăn liền và cả các loại mắm cao cấp. Trên thế giới, cua là sản phẩm bán rất chạy. Cua sống, cua đóng hộp hoặc cua lột chín đông lạnh đều được các thị trường ưa chuộng. Ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ cua cũng ngày một lớn hơn và cả phục vụ xuất khẩu. Do đó, nuôi cua biển là việc cần đẩy mạnh hơn.
Loài cua biển được nuôi phổ biến nhất ở ta hiện nay là loài cua xanh (hay còn gọi là cua sú, cua biển hoặc cua bơi). Cua xanh phân bố suốt dọc bờ biển nước ta. Nó sống ở vùng nước lợ. Chỉ tới mùa sinh sản, chúng buộc lòng phải vượt ra biển khơi – nơi có độ mặn tới 33 phần nghìn (tức là 1 lít nước có tới 33 g muối). Cua xanh đẻ trứng và ấp trứng trong điều kiện đó (nếu giảm độ mặn, trứng sẽ bị ung). Nhiệt độ thích hợp nhất đối với cua biển là từ 18 – 25 độ C.
Thức ăn của cua biển là các loại rong, tảo, giáp xác, hai mảnh vỏ, tôm, cá… Gần đây, người ta tổ chức nuôi giun đất để cung cấp cho cua biển. Cua mà được ăn giun thì lớn rất nhanh.
Khi nuôi, bà con phải hết sức chú ý tới các tập tính của cua biển như đào hang, trèo rào, hung dữ tới mức ăn cả thịt của đồng loại và khả năng tự vệ kỳ lạ: Nó sẵn sàng dứt bỏ một phần cơ thể để tẩu thoát khi kẻ thù tóm được phần ấy (sau một thời gian, các bộ phận bị mất sẽ được tái sinh).
Muốn nuôi cua biển phải có ao nước lợ. Độ mặn thích hợp nhất, như đã nói ở trên là từ 15 – 25 phần ngàn. Nước phải sạch, không bị ô nhiễm và được thay tháo định kỳ. Phải có tường bao hoặc rào chắn quanh ao nuôi để tránh cua vượt ra. Hệ thống mương cấp và mương thoát nước phải riêng biệt để không lây lan bệnh tật cho cua. Mỗi mương có một cống riêng thông với ao nuôi. Bờ ao phải chắc chắn, tốt nhất là xây bằng xi măng. Trong ao nuôi nên có chỗ trú ẩn và tránh nắng cho cua. Bà con có thể căng giàn trong ao và rải lá dừa lên trên để che nắng cho cua.
Cần chú ý lo đầy đủ thức ăn và đảm bảo phòng dịch bệnh và dịch hại cho cua. Việc thường xuyên theo dõi hàng ngày sẽ giúp chúng ta sớm phát hiện ra các khiếm khuyết và kịp thời bổ sung.
Nếu đã nuôi cua, bà con nên tìm mua sách hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay có rất nhiều sách viết về nuôi cua biển.
G.S Nguyễn Lân Hùng