(TSVN) – Mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa vèo dưới tán rừng ven biển tuy mới lạ nhưng đạt hiệu quả, lượng cua hao hụt không nhiều và chất lượng thịt cua không thua kém ngoài tự nhiên. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ góp phần cải thiện kinh tế nhiều gia đình, đồng thời giúp bảo đảm nguồn cung hải sản phục vụ du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Hộp nuôi cua được làm bằng nhựa PP hình chữ nhật. Kích thước dài 27 cm, rộng 20 cm, cao 40 cm. Thành hộp dày 1,2 – 2 mm. Phần nắp hộp nằm trên mặt nước cao 5 – 5,5 cm. Mặt trên có cắt lỗ 3×3 cm để thuận tiện trong quá trình cho ăn. Đáy hộp có khoảng 12 lỗ, mỗi lỗ 8 – 10 mm cho nước luân chuyển.
Việc thiết kế lỗ thoáng mặt đáy là hình chữ nhật có tác dụng làm giảm cường độ chiếu nắng của mặt trời, lưu thông nước và hạn chế sự rơi lọt thức ăn ra khỏi hộp.
Để chọn được cua khỏe mạnh tránh rủi ro trong quá trình nuôi cần chú ý chọn cua màu sắc tươi sáng, chạy khỏe, nhanh nhẹn, không gẫy chân, càng, nhất là cần đồng đều để tiện cho quá trình chăm sóc. Cua giống kích cỡ hạt me. Mật độ thả 3 – 5 con/m2 đối với nuôi cua biển giai đoạn 1. Thả giống lúc sáng sớm, trước khi thả nên thuần cua biển thích hợp với nhiệt độ và độ mặn của ao nuôi, thả tập trung ở một khu vực, không nên thả giáp ao để dễ cho ăn và theo dõi.
Thả giống: Mở từng hộp, cho mỗi con cua vào một hộp rồi tiến hành buộc chặt hai nửa hộp lại với nhau bằng dây thép không gỉ hoặc dây gân. Kiểm tra mối buộc để cua không thoát ra ngoài.
Do cua biển có tính hiếu động, bản năng tự vệ cao nên các thao tác bắt cua thả vào hộp phải nhanh, chuẩn xác, không để cua cắp phải bất cứ vật gì để có thể làm rụng mất chân càng cua. Thời gian thả càng nhanh càng tốt, tránh cua bị mất nước.
Thả giàn hộp xuống: Trước khi thả giàn hộp cua xuống tán rừng nuôi nên phun nước vào các hộp, thời gian phun nước khoảng 3 – 5 phút để cua thích nghi với môi trường nuôi.
Ðể nuôi cua thành công, người nuôi có thể tận dụng mé sông gần nhà có cây đước rồi bao lưới xung quanh. Sau đó, đóng thêm vỉ cây, thả nuôi mỗi hộp nhựa 1 con cua và cho cua ăn cá nhỏ 2 lần/tuần.
Phương pháp cho ăn: Cho ăn thức ăn tươi sống như cá tạp, nhuyển thể hai mãnh vỏ… Khẩu phần ăn cho cua giai đoạn 70 – 80 g/con đến cua thịt là 2 – 3% trọng lượng thân, cho ăn 1 lần /ngày lúc chiều mát. Lượng thức ăn tăng mỗi ngày, thường xuyên kiểm tra khả năng bắt mồi của cua để có chế độ tăng giảm hợp lý, có thể dùng sàng ăn kiểm tra khả năng bắt mồi và sức khỏe cua.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ hộp nuôi cua, dùng bàn chải nhựa cọ nhẹ mặt ngoài của hộp, tránh làm cua sợ và làm đục nước vùng nuôi. Thường xuyên kiểm tra yếu tố môi trường nằm trong điều kiện cho phép và ổn định.
Kiểm tra độ kiềm để bổ sung khi độ kiềm thấp hơn 80 mg/l bằng vôi CaCO3 liều dùng 10 – 15 kg/1.000 m3 nước, hay bổ sung canxi vào thức ăn cho cua (Canxium, Canxiphos liều dùng như hướng dẫn) để giúp cua tạo cứng vỏ sau khi lột.
Trong thời gian nuôi thường xuyên quan sát hoạt động của cua biển, quan sát các phụ bộ bên ngoài, cua phải nhanh nhẹn, khỏe, không bị nấm ký sinh bám ngoài vỏ. Nếu cua biển có hiện tượng nhiễm bệnh thì phải tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý kịp thời.
Để cua lên gạch tốt: khẩu phần thức ăn của cua gạch hàng ngày lớn hơn 20% trọng lượng cua, mỗi ngày cho cua ăn 2 – 3 lần vào sáng sớm, chiều mát và lúc đêm. Cần phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe, khả năng bắt mồi cua nuôi tại mỗi hộp nuôi.
Khi cua biển không lột xác do pH thấp có thể dùng vôi CaCO3 để làm tăng pH, liều lượng 10 kg/1.000 m3. Nếu cua có hiện tượng đóng rong do thức ăn dư hoặc do nguyên sinh động vật bám (hiện tượng đóng su) cần làm sạch môi trường xung quanh nơi thả cua.
Trong các mô hình NTTS thì phương thức nuôi cua biển thương phẩm được xem là loài ít bệnh tật nhất so với tôm, cá. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cua bị bệnh do một số yếu tố môi trường bất lợi như: Độ mặn và nhiệt độ quá cao làm cho cua chậm lớn và chết; độ mặn quá thấp gây ra hiện tượng cua không thể lột xác; môi trường bị ô nhiễm dẫn đến bị một số bệnh siêu vi trùng (virus) như: bệnh đốm đen, đốm nâu, đen mang, đóng rong, ký sinh trùng… Hiện nay, nghiên cứu về bệnh và biện pháp phòng trị vẫn chưa được phổ biến. Vì vậy, để đảm bảo cho đàn cua phát triển tốt thì phương pháp phòng bệnh hữu hiệu vẫn là thường xuyên thay nước, diệt khuẩn, cấy vi sinh và vôi định kỳ để ổn định các yếu tố môi trường, cho ăn đủ về số lượng và và chất lượng bằng cách bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, tỏi tươi xuyên suốt quá trình nuôi để tăng cường sức đề kháng và khả năng tăng trưởng của cua.
Khi trọng lượng cua đạt cỡ khoảng 350 g/con trở lên thì tiến hành thu hoạch. Nên chọn những hộp có cua đủ tiêu chuẩn kích cỡ theo yêu cầu thị trường. Dùng dây chuối ngâm nước, dây cói dập ngâm nước hoặc dây nilon mềm để buộc 2 càng và chân cua, không cho cua cử động và cắp lẫn nhau, xếp các con cua đã buộc vào lồng tre, bên trên phủ bao gai, rong biển hay vải ướt để giữ cho cua được mát và ẩm.
Hoàng Yến
Xin hỏi là có dậy lại không ạ