Nuôi hải sâm thân thiện với môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hải sâm cát (hải sâm trắng) là loài có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, do thức ăn chủ yếu của hải sâm cát là mùn bã hữu cơ nên chúng rất dễ nuôi, thân thiện với môi trường.

Đặc điểm sinh học

Hải sâm cát hay hải sâm trắng, có tên khoa học là Holothuria Scabra. Đây là loài động vật không có xương sống, thường sống ở dưới nền đáy nhiều cát hoặc rạn san hô chết. Hải sâm có giá trị dinh dưỡng rất cao, được xem là một trong bốn loại thực phẩm nổi tiếng của ẩm thực cổ truyền phương Đông.

Hải sâm có lưng màu xám đậm hoặc đen, bụng trắng, cơ thể giống quả dưa chuột, độ dài trung bình 20 cm, da sần sùi, hơi nhám và mềm. Thân hải sâm phía ngoài có nhiều u bướu sần sùi trông như con đỉa nên còn được gọi là đỉa biển. Hải sâm không có đầu đuôi riêng biệt. Chính giữa phần đầu trước có một lỗ miệng nhỏ, hướng về trước, nằm ở gần phần bụng và hậu môn nằm ở cuối lưng, xung quanh miệng mọc 5 – 10 tua nhỏ. Cơ thể không có mắt.

Hải sâm có tập tính sống ở đáy các vùng nước biển nông, vũng, vịnh có nhiều đá ngầm, độ mặn từ 25 – 33‰, pH 7,5 – 8,5, nhiệt độ nước thích hợp từ 26 – 29°C, nền đáy nhiều cát hoặc san hô chết ở độ sâu 2 – 5 m. Thức ăn của hải sâm là xác chết động vật, thực vật phù du, chất hữu cơ và các vi sinh vật dưới đáy biển. Do thức ăn của loài vật này là mùn bã hữu cơ và xác động vật chết nên chúng giúp nền đáy sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm nước.

Cơ thể hải sâm chỉ có một tuyến sinh dục là một chùm ống dài nằm cạnh màng treo ruột, chứa cả trứng và tinh trùng nhưng thời điểm hình thành của từng phần lại khác nhau. Mùa sinh sản của hải sâm tập trung từ tháng 3 – 7.

Hải sâm phân bố ở các vùng biển trên thế giới thuộc các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… Ở nước ta, hải sâm phân bố nhiều tại vùng biển đảo Cô Tô, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc…

Hải sâm chứa tận 18 loại axit amin quý thích hợp là thực phẩm bồi bổ cho người già, phụ nữ có thai và trẻ em. Ngoài ra, hải sâm còn chứa nhiều đạm, vitamin, các khoáng chất và hàm lượng cholesterol thấp. Vì vậy, ngoài giá trị dinh dưỡng, hải sâm còn hỗ trợ bồi bổ sức khỏe trong quá trình điều trị các bệnh như: ung thư, bệnh lý mạch vành, huyết áp cao, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng…

Tạo thương hiệu quốc gia

Hải sâm cát là loài hải sâm nhiệt đới có giá trị cao nhất, chúng cũng cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, hiện nay với sự khai thác quá mức nguồn lợi này đã bị suy giảm nghiêm trọng nên việc nuôi đối tượng này sẽ tạo ra một bước phát triển mới. Năm 2009, Viện Nghiên cứu NTTS III (RIA III) chủ trì đề tài cấp Bộ “Xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát ở quy mô sản xuất tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ”. Thành công của đề tài đã tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nghề NTTS tại nhiều địa phương trong nước. Nhiều vùng ao đìa ở khu vực Nam Trung bộ vốn thả TTCT, ốc hương kém hiệu quả, bỏ hoang đã chuyển sang nuôi hải sâm cát. Hải sâm đang được nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau, như nuôi đăng lồng, đáy, ao đầm ven biển (chủ yếu). Trong ao đầm, hải sâm được nuôi theo dạng bán thâm canh và thả ghép với các loài nuôi khác (như ốc hương, tôm sú…).

Đặc biệt, năm 2021, RIA III cùng Công ty CP Hải sâm Việt Nam cùng các hộ dân ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa đã xây dựng chuỗi liên kết hải sâm cát. Theo đó, RIA III cung cấp giống, hướng dẫn người dân nuôi hải sâm, sau đó doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm để phục vụ chế biến xuất khẩu sang các nước như Singapore, Trung Quốc… Ông Lê Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Hải sâm Việt Nam cho biết, qua 3 năm liên kết với các hộ nuôi hải sâm cát tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và Phú Yên, người nuôi có lợi nhuận rất cao. Theo đó, Công ty cung cấp giống cho người nuôi khoảng 3.000 đồng/con và sau 6 – 8 tháng nuôi sẽ thu mua với giá từ 28.000 – 30.000 đồng/con. Theo đánh giá của Công ty sau 3 năm liên kết sản xuất, người nuôi có tỷ suất lợi nhuận từ 30 – 80%. Hơn nữa, Công ty đã xây dựng xong nhà máy chế biến hải sâm hiện đại nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư 5 triệu USD, công suất 900 tấn thương phẩm/năm. Vì vậy, sản phẩm chế biến ra có thể cạnh tranh với chất lượng sản phẩm dòng cao cấp của Trung Quốc. Do đó, đến năm 2025 – 2026, Công ty sẽ xây dựng thương hiệu quốc gia về mặt hàng hải sâm. Cùng với đó, phát triển dòng sản phẩm hải sâm ăn liền, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Đồng thời đến năm 2025, Công ty sẽ tạo 70 triệu cá thể hải sâm, với 3.500 ha vùng nuôi, 90 triệu con giống, 45 ha trại giống.

>> Hải sâm cát được tận dụng nuôi tại những vùng nuôi tôm không hiệu quả. Ngoài ra, hải sâm cát còn có thể nuôi ghép với các loài cá, ốc khác để làm sạch môi trường và hạn chế dịch bệnh. Với chi phí nuôi thấp, giá con giống rẻ và không cần bổ sung thức ăn nhiều nên hải sâm rất phù hợp với phát triển NTTS tại nhiều địa phương có lợi thế.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!