T2, 06/07/2020 09:54

Nuôi hàu sạch ở Cần Giờ (TP. HCM)

Chưa có đánh giá về bài viết

Cần Giờ là huyện ngoại thành TP.Hồ Chí Minh, có bờ biển dài gần 20 km và hệ sông ngòi chằng chịt, rất thuận lợi để nuôi trồng nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Lần đầu tiên dự án nuôi hàu sạch cửa sông đang được triển khai thử nghiệm tại đây, bước đầu đã cho kết quả rất khả quan…

"Bẫy" hàu bằng lồng lưới 

Vượt qua đoạn đường hơn 100 km xuyên qua khu rừng Sác, chúng tôi có mặt tại Cần Giờ, nơi “dự án nuôi hàu sạch cửa sông” của Cty CP Đầu tư Cần Giờ (CAGIN JSC) đang triển khai nuôi thử nghiệm ở khu vực Gò Con Chó (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An). Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thi, Phó TGĐ Cty CAGIN JSC phấn khởi khoe: “Lần đầu tiên công ty triển khai nuôi hàu theo một phương pháp hoàn toàn mới, vừa không bị ô nhiễm mà sạch. Con giống cũng được “bẫy” từ tự nhiên và tuyển chọn giống khỏe có chất lượng tốt nhất để đem sang khu thả nuôi riêng biệt, sau đó chỉ cần chờ đến ngày thu hoạch”.

Theo ông Thi, để đầu tư triển khai dự án này, phía công ty cũng đã tiến hành khảo sát rất kỹ từ các điều kiện khí hậu, độ ẩm, thủy triểu, chất lượng nước, môi trường sinh thái và cơ sở hạ tầng khác rất phù hợp. Tổng diện tích mặt nước thực hiện dự án ở giai đoạn một là 10.000 m2 và giai đoạn hai 20.000 m2. Sau quá trình “bẫy” và tuyển chọn kỹ con giống, đến nay lứa hàu đầu tiên đã thả nuôi được khoảng 7 tháng, chuẩn bị đến tháng 10 tới này (khi con hàu thương phẩm đạt trọng lượng bình quân từ 3 – 5 con/kg) sẽ bắt đầu cho thu hoạch.

Chúng tôi vừa xuống đến đây, ông Thi đã chuẩn bị sẵn một chiếc ghe máy để đưa ra tham quan khu vực thả nuôi hàu của dự án, cách thị trấn Cần Thạnh khoảng 8 hải lý (tương đương 12 km). Sau khi chiếc ghe máy chạy được khoảng 40 phút lênh đênh trên sóng nước cửa biển thì đã đến tới đại bản doanh nuôi hàu. Chúng tôi chứng kiến những dãy phao bằng các loại thùng nhựa có nhiều màu sắc được gắn kết với nhau thả dài trên mặt nước, nhìn như những dãy đường băng hút tầm mắt.

Anh Võ Thanh Phong, Trạm trưởng Nuôi trồng thủy sản, chịu trách nhiệm về kỹ thuật nuôi hàu của công ty cười vui bảo: “Hàu này được thả nuôi trong lồng lưới hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đảm bảo VSATTP, hàu sạch tưng, chỉ cần vớt hàu lên đem theo tuyp mù tạt là có thể thưởng thức ngay tại chỗ”. Theo anh Phong, ở gần đây cũng có nhiều giàn nuôi hàu của người dân địa phương nhưng chủ yếu họ nuôi theo phương pháp truyền thống, bằng cách thả tấm fibrô xi-măng để hàu bám tự nhiên rồi chờ đến ngày hàu lớn sẽ thu hoạch.

Tuy nuôi theo phương pháp của dân đầu tư ít tốn kém nhưng không đảm bảo ATVSTP, vì vẫn còn tồn lưu nhiều chất amiăng độc hại trong tấm fibrô xi-măng sẽ tác động (nhiễm) đến chất lượng thịt của con hàu và nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, dự án thả nuôi hàu theo phương pháp mới bằng lồng lưới của Cty CAGIN JSC đang được xem là một tiến bộ trong nuôi trồng thủy sản, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi lồng bè, tạo ra sản phẩm hàu thương phẩm sạch có giá trị kinh tế cao, phù hợp với môi trường sinh thái và mang tính bền vững…

Giàu nhanh

Cho ghe máy cập sát rạt những giàn lồng hàu nuôi, ông Thi ra hiệu cho người phụ trách kỹ thuật nuôi nổ máy bơm hơi vào phao để lồng hàu nổi lên trên mặt nước. Cầm trên tay những con hàu to bằng bàn tay, ông Thi hào hứng nói: “Với con lớn cỡ này thì bèo nhất mỗi lồng đợt này cũng phải thu được khoảng 400 kg hàu đấy. Có nhiều mối lái đang đặt hàng thu mua tại chỗ với giá 22.000 đ/kg. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chờ kết quả đến ngày thu hoạch mới có thể quyết định được giá cả thị trường”. Theo ông Thi, hiện toàn bộ khu dự án đang thả nuôi khoảng 82 lồng, sẽ cho sản lượng tương đương với trên dưới 40 tấn hàu.

Để có được hàu thương phẩm đạt chất lượng và ATVSTP, Công ty CAGIN JSC đã tự nghiên cứu ra quy trình nuôi hàu sạch, nay đang là bước thử nghiệm ban đầu nhưng cho kết quả rất tốt. Tìm hiểu thực tế quy trình kỹ thuật “bẫy” và thả nuôi hàu sạch của CAGIN JSC, anh Võ Thanh Phong cho biết: Thường hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 5 (năm sau) là lúc hàu cám xuất hiện nhiều trong tự nhiên, chúng tôi cho thả neo hàng trăm dây dài 2 mét; bố trí từ 6 – 10 dây/m2 mặt nước; trên mỗi dây xỏ vào 10 vỏ hàu loại lớn để làm giá thể cho cả hàu cám và hàu con bám vào dây được cột với phao cố định nổi trên mặt nước. Khung lồng được làm bằng cừ tràm, tre, tầm vông…, lưới nuôi kết bằng loại lưới sợi tổng hợp.

Anh Phong cho biết thêm, khu vực thả dây “bẫy” hàu giống được quy hoạch nằm cách biệt với khu vực nuôi. Đối với hàu thiên nhiên, thời điểm “bẫy” giống từ tháng 4 đến cuối tháng 5, khi hàu giống đã bám đặc trong vỏ hàu và dây thì sẽ kéo lên, chọn lựa những con giống chất lượng tốt (khoảng 10 – 15 con/kg) để chuyển sang khu lồng lưới nuôi. Còn với hàu cấy, từ tháng 3 sẽ mua giống hàu tốt từ các tỉnh miền Tây về cho cấy vào vỏ hàu và đem thả trong lồng nuôi, chỉ cần trông coi, làm vệ sinh lưới nuôi cho sạch sẽ để hàu mau lớn là được. Từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ bắt đầu thu hoạch hàu cấy.

Theo kinh nghiệm của anh Phong, trong tự nhiên, hàu hoàn toàn sống cố định, không di chuyển như một số loài nhuyễn thể khác, thuộc loại động vật bắt mồi thụ động. Thức ăn là tảo khuê sống trôi nổi theo dòng nước thủy triều lên xuống. Do đó, vùng sông nước thường xuyên có thủy triều lên xuống như ở Cần Giờ rất thích hợp cho việc nuôi hàu. Tuy nuôi hàu có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp một số khó khăn mà người nuôi vẫn chưa thể khắc phục được.

Cụ thể, vào khoảng thời gian từ tháng 12 dương lịch đến tháng giêng hàng năm (tùy theo mùa) là vụ thu hoạch hàu, nhưng đây lại là thời điểm có độ mặn cao, là mùa dịch khiến hàu dễ nhiễm bệnh và chết. Do vậy, người nuôi phải “né” bằng cách thu hoạch sớm, khiến cho năng suất và chất lượng hàu không được như mong muốn.

Không chỉ riêng khu vực nuôi hàu của Cty CAGIN JSC, mà trên nhiều con sông như Hà Thanh, Đồng Tranh, Cộng Hòa, Rạch Lỡ… của huyện Cần Giờ cũng đang có rất nhiều giàn nuôi hàu nổi trên sông của người dân địa phương. Trong đó, xã Long Hòa, An Thạnh và thị trấn Cần Thạnh là 3 vùng nuôi hàu nhiều nhất ở Cần Giờ. Thường khoảng tháng 3 hàng năm, bà con bắt đầu đổ hàu giống vào các giàn để nuôi. Hàu phát triển nhanh, khi thu hoạch chỉ cần 3 con hàu đã đạt trọng lượng 1 kg, hàu to và ruột dày, màu đẹp nên rất được ưa chuộng và giá cao. Thực tế, với hộ nào nuôi ít mỗi năm cũng kiếm chừng gần trăm triệu đồng, còn hộ nuôi nhiều “rinh” về cả vài tỉ đồng.

+ Ông Nguyễn Ngọc Thi, Phó TGĐ CTy CP Đầu Tư Cần Giờ: Sau khi thu hoạch đợt hàu đầu tiên này, chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá về chất lượng hàu và những tác động của dự án đến môi trường sinh thái; đồng thời sẽ gửi mẫu lên Trung tâm Phân tích kết quả dịch vụ thí nghiệm TP.HCM, khi có kết quả tốt sẽ cho triển khai mở rộng dự án nuôi hàu sạch tại đây và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho người dân địa phương cùng tham gia nuôi hàu sạch.

+ Ông Phạm Trọng Đức, Phó phòng Kinh tế huyện Cần Giờ: Dự án nuôi hàu sạch vùng cửa sông của Cty CAGIN JSC theo phương thức mới rất phù hợp với điều kiện thực tế, giữ vững môi trường sinh thái của huyện Cần Giờ; đồng thời mở ra hướng sản xuất mới, thay đổi dần cách nuôi hàu dùng fibrô xi-măng bằng hệ thống lồng lưới hoàn toàn vô hại và ATVSTP. Nếu điều này thành công, nghề nuôi hàu sẽ hứa hẹn một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân huyện Cần Giờ.

MINH SÁNG

Theo Nông Nghiệp VN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!