Nuôi kết hợp cá mú và cua biển: giảm rủi ro cho nghề nuôi cá nước lợ

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, cùng với nghề nuôi tôm thương phẩm, việc nuôi cá nước lợ cũng đã phát triển một cách nhanh chóng, mang lại thu nhập khá cao cho cộng đồng ngư dân ven biển. Tuy nhiên do mở rộng theo hướng tự phát nên đã tác động không nhỏ đến môi trường nuôi, khiến dịch bệnh trên đối tượng này xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho nhiều hộ nuôi.

Trước thực tế cần phải ổn định nghề nuôi và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro về dịch bệnh trên cá nước lợ nuôi thương phẩm, một số hộ dân ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa đã áp dụng hình thức thả nuôi kết hợp cá mú và cua biển trong cùng một diện tích đìa. Đây là hướng nuôi mới, dễ áp dụng và đang được khuyến khích nhân rộng tại địa phương.

anh trong tin bai

Ảnh Ngọc Hòa

Trên diện tích mặt nước gần 6.000 mét vuông, hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Diên ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa đã bắt tay vào đầu tư nuôi cá mú chấm đen. Thời điểm đó ngoài tôm thẻ chân trắng, ở các khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã hầu như chỉ có một vài hộ dân thả nuôi đối tượng này. Môi trường nuôi tốt, cộng với giá bán cá mú thương phẩm hấp dẫn đã mang lại thu nhập ổn định cho mô hình nuôi cá của ông Diên. Thấy lợi nhuận về kinh tế tương đối cao, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên khoảng 1 ha.

Tuy nhiên cùng thời gian đó, nhiều hộ dân trong vùng cũng đã bắt đầu chuyển sang nuôi đối tượng cá mú. Việc nhân rộng diện tích đìa nuôi một cách tự phát đã khiến cho điều kiện nuôi ngày càng ô nhiễm. Năm 2011, do không kiểm soát được tình trạng dịch bệnh xảy ra trên đìa nuôi cá của mình, ông Diên đã bị tổn thất gần 50% sản lượng cá mú chuẩn bị cho thu hoạch. Từ tổn thất quá lớn về thu nhập, ông đã suy nghĩ tìm giải pháp nuôi an toàn hơn nhưng vẫn giữ được đối tượng cá mú và từ đó, mô hình nuôi kết hợp cá mú và cua biển được hình thành. 

anh trong tin bai

Theo ông Diên thì mô hình nuôi này nếu nói về lãi suất thì không cao nhưng mang tính an toàn, và lấy ngắn nuôi dài. Mô hình này có thể được áp dụng cho những người không có nhiều vốn.   
 

Do nuôi cua biển tận dụng được hết lượng thức ăn dư thừa và chất thải từ cá mú nên quá trình nuôi kết hợp 2 đối tượng này làm cho môi trường nước trong ao nuôi luôn sạch sẽ, hạn chế được dịch bệnh xảy ra trên cá mú. Mặc dù lợi nhuận mang lại không cao nhưng hình thức nuôi kết hợp cá mú và cua biển không cần đầu tư nhiều vốn và dễ áp dụng cho các hộ dân trong vùng. Thông thường, người nuôi chỉ tốn chi phí cho việc mua con giống cá mú, chứ còn cua biển thì không bao nhiêu, chỉ khoảng 500.000 đồng/1.000 con giống.

Nuôi cua biển đầu tư ít vốn, không tốn chi phí thức ăn nhưng lại nhanh cho thu hoạch. Bình quân sau 5 tháng thả nuôi, bà con có thể thu được lợi nhuận gần 60 triệu đồng/ha. Việc thu hoạch cua biển thường kéo dài trong vòng 3 – 4 tháng, nên lợi nhuận từ cua sẽ được dùng để đầu tư mua thức ăn cho cá mú. Ông Diên lưu ý quá trình nuôi cua với cá phải có từng giai đoạn, phải nuôi cua trước để cua lớn rồi thả cá vô. Nuôi cua thì thu dần diện tích bằng cách dùng rập hay lờ. Trong lúc nuôi như vậy thì tránh tình trạng con cua lột xác đi thì con cá không ăn được vì khi còn nhỏ cua lột xác ra thì cá ăn hết.

anh trong tin bai

Đánh giá về mô hình này, ông Trương Quốc Tường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa cho biết: “Qua việc khuyến cáo bà con nuôi cua cá kết hợp thì hiệu quả mang lại khá cao. Cua thì bữa nay giá ổn định, cua gạch khoảng 200.000 đồng/kg, cua y 100 – 130.000 đồng/kg, bà con nuôi thu lại nhiều lợi nhuận. Bên cạnh đó khi thu cua xong thì con cá đã lớn, bà con lấy tiền cua đắp vô tiền thức ăn cho cá nên khi thu cá thì bà con có được đồng vốn lớn”.

Cá mú nuôi thương phẩm có thời gian nuôi khoảng 12 tháng mới đạt trọng lượng để xuất bán nên ngoài tiền mua con giống, khâu chăm sóc, người nuôi cũng tốn khá nhiều chi phí đầu tư về thức ăn. Do vậy, theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, mô hình kết hợp cá mú và cua biển không chỉ giảm bớt gánh nặng về vốn đầu tư, mang lại hiệu quả sản xuất mà còn giúp cho quá trình nuôi các đối tượng cá nước lợ ngày càng ổn định hơn, hạn chế thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Minh Khiêm

Đài PTTH Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!