THỨ SÁU, ngày 17/1/2025

T2, 06/07/2020 10:30

Nuôi rươi quảng canh

Chưa có đánh giá về bài viết

Rươi (Tylohynchus heterochaetus) thuộc nhóm giun nhiều tơ, sống ở bãi triều cửa sông ven biển nước ta. Rươi là loại thức ăn giàu đạm, bổ dưỡng.

Chọn địa điểm

Đầm nuôi rươi phải là bãi triều hoặc ruộng lúa có nước thủy triều ra vào, độ mặn 0 – 10‰.

Diện tích tối thiểu 500m2 trở lên, xung quanh có bờ bao chắc chắn và phải cao hơn mực nước cao nhất trong đầm 30 – 50cm.

Đầm cách xa nguồn thải của khu vực dân cư hoặc khu vực ô nhiễm công nghiệp.

 

Điều kiện thủy lý hóa của đầm nuôi

– Chất đáy: Bùn đáy trong đầm phải là bùn cát (bùn chiếm 2/3, cát 1/3).

– Các yếu tố thủy lý hóa trong đầm: hàm lượng ôxy >4mg/l; pH: 6,5 – 8,5; H2S<0,01mg/l.

Cải tạo đầm nuôi

Đầm nuôi rươi là bãi triều hoặc ruộng lúa có nước thủy triều ra vào – Ảnh: Hải An

– Đây là yếu tố quyết định đến năng suất rươi. Nên cải tạo vào 2 thời điểm trước vụ sinh sản của rươi (tháng 3 và 9 dương lịch). Cải tạo đầm nên chọn vào kỳ nước kém của thủy triều để tránh nước đục trong đầm chảy ra mang theo mùn bã hữu cơ (thức ăn của rươi).

– Tháo cạn đầm, bắt và diệt hết địch hại của rươi như cá, tôm, cua, cáy.

– Đầm cải tạo cho bằng phẳng, dốc về phía cống, đảm bảo khi tháo phải róc nước. Nên thiết kế một hệ thống mương nhỏ trong đầm, giúp cho việc cấp và thoát nước được thuận lợi. Cày bừa đất trong đầm thật kỹ.

– Phát quang bờ bụi xung quanh, dọn bớt các bụi cỏ dưới đáy đầm (cỏ năn, cỏ lác).

– Xây dựng cống cấp và thoát nước: Cống cấp và thoát nước có nhiệm vụ cấp thoát nước cho đầm, đồng thời là nơi lấy giống tự nhiên và thu hoạch rươi.

Diện tích nhỏ hơn 2.000m2 thì dùng cống xi măng ống tròn đường kính 0,5m, diện tích lớn hơn có thể xây cống vuông dùng cánh phai để đóng mở cống.

–  Kiểm tra pH của đầm bằng giấy quỳ, nếu pH <6, cần bón thêm vôi nông nghiệp Ca(OH)2 với liều lượng 7 – 10 kg/100m2.

– Bón thêm phân chuồng hoặc rơm rạ đã ủ mục, liều lượng 5 – 6 kg/100m2 để thêm nguồn thức ăn cho rươi. Vôi và phân chuồng được rải đều, dùng máy lồng trộn lẫn vào nền đáy.

– Tạo sinh cảnh cho rươi: Khi cải tạo đầm xong có thể trồng một số loại cỏ  thân mềm hoặc lúa ngoi để tạo sinh cảnh cho rươi và giảm nhiệt độ nước trong những ngày nắng.

 

Kỹ thuật lấy giống tự nhiên

Đây là khâu then chốt trong quy trình nuôi rươi, bởi nó quyết định năng suất của đầm nuôi.

Khi thành thục, rươi từ các bãi triều theo con nước thủy triều di cư ra cửa để sinh sản, trứng được thụ tinh phát triển thành ấu trùng theo thủy triều quay lại các bãi triều để sinh trưởng và phát triển, tạo nên vòng đời mới.

Thời điểm lấy giống: vào kỳ con nước thủy triều tháng 4 – 5 và tháng 9 – 12 âm lịch.

Cách thực hiện: Mở cống lấy nước vào đầm, ấu trùng rươi sẽ theo nước vào và chui xuống lớp bùn bề mặt đáy để sinh sống. Sau khi thủy triều rút 4 – 6 giờ ta mới lải nước ra, luôn giữ lại mực nước trong đầm 30 – 40cm.

Việc lấy giống tự nhiên này phải tiến hành suốt mùa sinh sản của rươi.

 

Chăm sóc và quản lý

Sau khi lấy giống 1 tháng, dùng vợt lưới mắt dày đãi lớp bùn trên bề mặt đáy đầm, sẽ nhìn thấy rươi giống như những sợi chỉ đỏ với mật độ 150 cá thể/m2 trở lên là đạt yêu cầu.

Vào các kỳ con nước sau đều phải lấy nước vào đầm và lải nước ra để thêm nguồn thức ăn cho rươi (phù sa và tảo có trong nước). Khi lấy nước vào ra nên dùng đăng lưới để ngăn không cho địch hại vào đầm. Những ngày tối trời dùng đèn đi quanh bờ đầm để bắt địch hại của rươi.

Không được dùng bất cứ loại hóa chất nào trong quá trình nuôi rươi. Hạn chế lấy nước vào đầm trong những thời điểm các cống xả nước ô nhiễm ra sông và những thời kỳ phun thuốc trừ sâu nhiều ở các đồng lúa xung quanh.

 

Thu hoạch

Sau khi lấy giống và ương nuôi rươi trong đầm sau 6 tháng, rươi thành thục có thể thu hoạch được. Trước kỳ con nước có thể đào đất dưới đầm để kiểm tra mật độ và độ thành thục của rươi.

Sau 6 tháng, rươi có thể thu hoạch

Rươi thành thục chuẩn bị sinh sản con cái có màu xanh nhạt, con đực có màu trắng sữa, kích thước lớn hơn rươi bình thường, cơ thể rươi chứa đầy sản phẩm sinh dục nên rất dễ vỡ.

Vào kỳ con nước, lấy nước vào đầm. Rươi thành thục bị kích thích bởi thủy triều sẽ nổi trên mặt nước, bơi ra cống để di cư sinh sản, mắc đáy (mắt lưới đáy 1 – 3mm) vào cửa cống và tháo nước, rươi sẽ theo nước chui vào đáy, nhẹ nhàng nhấc túi đáy đổ rươi ra chậu xuất bán hoặc chuyển vào khay xốp giữ lạnh để bảo quản rươi sống được 5 – 7 ngày và có thể vận chuyển đi xa.

>> Với vốn đầu tư không lớn, nếu áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi quảng canh có thể đạt năng suất 600kg – 1,5 tấn/ha rươi thương phẩm, trừ chi phí sản xuất và tiền thuê đầm hằng năm có thể mang lại lợi nhuận 150 – 300 triệu đồng/ha và hầu như không có rủi ro.

ThS Nguyễn Quang Chương

“Kỹ thuật nuôi cá ở gia đình và cá lồng”

Nước ta có tiềm năng lớn về nuôi cá nước ngọt, tuy nhiên phong trào nhiều nơi còn chậm, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Để nghề nuôi cá ở hộ gia đình phát triển, mang lại thu nhập cao, thay đổi thói quen sản xuất từ “thả cá” sang “nuôi cá”, tác giả Đoàn Quang Sửu đã biên tập “Kỹ thuật nuôi cá gia đình và cá lồng”. Cuốn sách nhằm cung cấp cho người đọc những kiến thức về: Kỹ thuật nuôi cá ao gia đình; Kỹ thuật nuôi cá rô phi tính đực; Kỹ thuật nuôi tôm, cá trong ruộng lúa; Kỹ thuật nuôi cá lồng. Qua 4 phần, người đọc sẽ được chia sẻ những kiến thức cần thiết để phát triển nghề nuôi cá tại hộ gia đình vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tận dụng được tiềm năng mặt nước tại địa phương.

Sách do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành.

Tuấn Tú

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!